Thời điểm cho bé ăn dặm như thế nào là phù hợp nhất với quá trình phát triển thể chất của bé? Hiện nay việc dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đôi lúc sẽ khiến ba mẹ bối rối, vậy nên ba mẹ hãy tham khảo bài viết bên dưới để cùng con tự tin bước vào hành trình ăn dặm đúng thời điểm nhé !!!
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Từ tháng thứ 6 trở đi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal / ngày trong khi đó trẻ cần tới 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển tối ưu của cơ thể.
Không nên cho bé ăn dặm quá sớm
Nhiều mẹ nôn nóng nên cho bé ăn dặm quá sớm, hoặc vì thấy bé nhẹ cân cũng quyết định cho bé ăn dù chưa đủ 6 tháng. Thời điểm này hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé chưa phát triển đầy đủ để xử lý và dung nạp những nguồn thức ăn mới, nếu mẹ cố gắng cho bé ăn sớm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ tiêu hóa và sự phát triển của bé sau này.
Cho bé ăn dặm trễ cũng dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe
Một số mẹ lại cho bé ăn quá trễ, điều này có thể dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng ở bé, do giai đoạn này bé cần nhiều nguồn dinh dưỡng phong phú để đáp ứng cho các nhu cầu phát triển thể chất của mình. Lúc này sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển nữa nên việc bổ sung thêm thực phẩm ăn dặm là rất cần thiết.
Vậy, thời điểm tốt nhất để mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm là khi bé tròn 6 tháng tuổi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé đã phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ. Ở giai đoạn bé được 6 tháng tuổi, mẹ hãy quan sát nếu bé có những dấu hiệu dưới đây thì chứng tỏ bé yêu đã sẵn sàng bước vào hành trình ăn dặm rồi nhé:
- Bé có thể ngồi vững vàng, cổ cứng cáp và giữ đầu thăng bằng
- Bé thích đưa đồ chơi hoặc những vật có thể cầm nắm được vào miệng
- Bé háo hức với lấy thức ăn khi thấy người lớn ăn.
- Bé thể hiện sự thích thú và chóp chép nhai khi được mẹ đút một ít thức ăn xay nhuyễn và loãng.
Nguyên tắc mẹ cần nhớ cho bé ăn dặm đúng cách
Việc tuân theo những nguyên tắc cơ bản khi cho bé ăn dặm sẽ giúp cho ba mẹ thực hiện việc nuôi con được thuận lợi và khoa học hơn. Đây cũng là những yếu tố giúp cho sự phát triển của bé đạt được mức hoàn thiện nhất. Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kì, việc cho trẻ ăn dặm cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc ” Ngọt – mặn”
Đầu tiên ba mẹ hãy cho con ăn dặm bằng những loại thực phẩm gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức để bé quen dần với “những thức ăn mới lạ” giúp bé dần thích nghi với việc ăn dặm như vậy việc ăn uống của bé sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ba mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt – mặn” khi bắt đầu cho bé ăn dặm, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập ăn dặm vì có mùi vị “tương tự” như sữa mẹ, bé được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sau đó sẽ thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn
Nguyên tắc “Ít – nhiều”
Để luyện tập cho hệ tiêu hóa của con thích ứng dần với liều lượng và thành phần trong thức ăn ngày càng phong phú, ba mẹ hãy cho bé ăn với lượng ít rồi dần tăng lên. Cụ thể như, tháng đầu nên cho bé ăn 1 đến 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng lên 1/3 bát, rồi nửa bát,…như vậy sẽ đảm bảo cho hệ tiêu hóa của con được thích nghi dần và cung cấp đầy đủ năng lượng, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của con
Nguyên tắc “Loãng -đặc”
Ba mẹ cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của con luôn được suôn sẻ, đây là nguyên tắc giúp con không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của con có thể bắt nhịp kịp với quá trình tieu hóa những thức ăn phức tạp hơn
Nguyên tắc “Tô màu “
Nghĩa là bột ăn dặm của con cũng cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp bé phát triển tốt.
- Nhóm đường bột bao gồm: Gạo, bột mì, bánh mì, ngô, khoai, bún, phở,….
- Nhóm đạm bao gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, tôm,…
- Nhóm chất béo bao gồm: Dầu, mỡ, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu
- Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm: Rau củ và các loại trái cây tươi
Nguyên tắc “Không gia vị”
Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến các ba mẹ không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì thận của bé vẫn còn yếu. Khi ba mẹ nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của bé phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con sau này
Nguyên tắc “Không ép ăn”
Khi ba mẹ thấy con không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối với việc ăn dặm, ba mẹ nên cho bé tạm ngưng ăn dặm một thời gian tầm 5 đến 7 ngày, rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để con không bị căng thẳng, gây ra những phản ứng không tốt trong quá trình ăn dặm
Nguồn: sưu tầm