Những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay! Ưu và Nhược điểm

Khi bé đến tuổi ăn dặm chắc hẳn ba mẹ không khỏi có những lúng túng, lo lắng và băn khoăn thời điểm nào là lí tưởng để bắt đầu tập cho bé ăn dặm và chọn phương pháp ăn dặm nào là thích hợp và tốt nhất cho bé. Ba mẹ hãy cùng tham khảo bài viết này để chọn ra phương pháp thích hợp nhất cho bé yêu của mình nha.

Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm:

Theo khuyến cáo của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm thích hợp để tập cho bé ăn dặm là khi bé tròn 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ. Ở cột mốc bé 6 tháng tuổi, mẹ sẽ bắt gặp những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm:

  • Bé có thể ngồi vững vàng, cổ cứng cáp và giữ đầu thăng bằng
  • Bé thích đưa đồ chơi hoặc những vật có thể cầm nắm được vào miệng gặm.
  • Bé háo hức ngả người về phía trước khi thấy người lớn ăn.
  • Bé thể hiện sự thích thú và chóp chép nhai khi được mẹ đút một ít thức ăn xay nhuyễn và loãng.

Những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay! Ưu và Nhược điểm 1
3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay:

3.1Phương pháp ăn dặm truyền thống

Đây là phương pháp rất phổ biến với các mẹ Việt Nam. Lúc bắt đầu ăn dặm, các bé sẽ ăn bột xay chung với các loại thực phẩm khác nhau. Đến khi mọc răng, bé sẽ đổi sang ăn cháo kèm thức ăn xay nhuyễn.

Ưu điểm:

– Thức ăn xay nhuyễn giúp bé dễ tiêu hóa

– Không mất nhiều thời gian chế biến, công thức đơn giản, phù hợp với những mẹ bận rộn

– Có thể cho bé ăn với khẩu phần nhiều ngay từ lúc mới tập ăn

Nhược điểm:

– Vì nhiều loại thức ăn cùng được xay nhuyễn và pha trộn lại với nhau nên bé sẽ không cảm nhận được mùi vị và mẹ khó phát hiện được bé bị dị ứng với loại thực phẩm nào.

– Có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thức ăn thô của bé, không tập được phản xạ nhai cho bé.

– Các loại vitamin cần thiết cho cơ thể sẽ hao hụt và mất đi khi bị nấu quá lâu ở nhiệt độ cao

– Không tạo được thói quen ăn uống tự lập cho bé

Những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay! Ưu và Nhược điểm 2

 

3.2 Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy

Phương pháp này sẽ cho bé được tự quyết định quá trình ăn của mình ngay từ đầu. Bố mẹ chỉ chọn loại đồ ăn và bé là người sẽ quyết định cách ăn cũng như khối lượng thức ăn. Phương pháp ăn dặm này có các đặc điểm cơ bản sau: bé có thể ngồi cùng bàn và ăn chung với cả nhà; bé sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn; bé được tự chọn những gì bé thích bằng cách bốc và cầm nắm bằng tay nguyên miếng thức ăn đã được hầm mềm.

Ưu điểm:

– Bé được giúp làm quen với từng loại thực phẩm nhanh hơn và ít tốn kém hơn do được trải nghiệm chế độ ăn và hương vị phong phú

– Giúp bé ăn một cách tự nhiên và phát triển kĩ năng kiểm soát thức ăn, kỹ năng nhai cho bé

– Định hình và phát triển thói quen ăn uống độc lập từ sớm

– Giúp bé thêm khéo léo, học được cách kết hợp sử dụng tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng

Nhược điểm:

– Thời gian đầu có thể bé sẽ không đòi ăn nên mẹ cần phải cực kì nhẫn nại và kiên trì

– Không kiểm soát được chất dinh dưỡng và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé

– Bé dễ bị hóc đồ ăn

– Chuẩn bị tinh thần dọn dẹp “bãi chiến trường”. Thời gian tiết kiệm khi nấu thức ăn sẽ bù lại vào thời gian dọn dẹp sau khi ăn của bé

 

Những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay! Ưu và Nhược điểm 3

3.3 Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ, do đó khi bé đã không muốn ăn, mẹ sẽ dừng lại ngay lập tức, không cố gắng thúc ép

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là cho bé ăn dặm ngay với cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Bé ăn theo chế độ ăn dặm kiểu Nhật sẽ được ăn cháo loãng kết hợp cùng các loại thực phẩm khác nhau với hương vị được giữ nguyên bản với độ thô tăng dần theo từng thời điểm thích hợp, và các loại thức ăn của bé sẽ được để riêng rẽ, không trộn lẫn.

Ưu điểm:

– Bé có khả năng ăn thức ăn thô sớm hơn và tập kỹ năng nhai – nuốt tốt hơn.

– Tạo cho bé tâm lý thoải mái khi ăn, giúp bé khám phá hương vị từng món ăn.

– Tạo thói quen ngồi ăn giúp bé ăn được nhiều hơn và tập trung hơn; nâng cao kỹ năng tự lập cho bé

Nhược điểm:

– Mất nhiều thời gian và công sức để dạy bé ngồi và bé cầm thìa

– Tốn thời gian cho mẹ để chế biến riêng biệt từng loại thức ăn

– Trẻ không ăn được nhiều

– Mẹ dễ nản vì phải chế biến nhiều món ăn khác nhau

Những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay! Ưu và Nhược điểm 4

 

Để lựa chọn đúng phương pháp phù hợp với bé, mẹ không nên chỉ dựa vào lý thuyết mà còn phải căn cứ đến thể trạng, sức khoẻ của bé cũng như thời gian của mẹ. Bởi vậy, mẹ không nên quá cứng nhắc mà có thể linh động kết hợp hài hòa giữa các phương pháp ăn dặm với nhau. Lấy ưu điểm của phương pháp này khắc phục nhược điểm của phương pháp kia. Từ đó có một phương pháp ăn dặm tốt nhất và phù hợp nhất với bé. Chúc ba mẹ thành công trong quá trình ăn dặm cùng bé yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *