Bệnh thủy đậu ở trẻ em bùng phát chủ yếu vào mùa đông xuân, lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiếp xúc với người bệnh, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Khi mắc bệnh, trẻ cần được chăm sóc chu đáo và đúng cách để đề phòng biến chứng.
1. Bệnh thủy đậu ở trẻ là gì?
Thủy đậu ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở trẻ dưới 15 tuổi, thường xảy ra ở khu vực đông dân cư, thời điểm giao mùa. Nhiều người lầm tưởng bệnh thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên chủ quan và chỉ lo lắng tới mụn nước do thủy đậu có thể làm bội nhiễm da, để lại sẹo làm mất thẩm mỹ. Tuy nhiên biến chứng của thủy đậu gây ra còn nặng nề hơn thế rất nhiều, trẻ bị thủy đậu có nguy cơ bị viêm phổi, rối loạn tâm thần, hôn mê, viêm não, co giật,… nguy hiểm nhất là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Herpes zoster gây ra, bệnh có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV). Virus này thuộc họ herpesviruses. Virus thủy đậu sống được vài ngày trong vảy thủy đậu trong không khí và dễ chết khi tiếp xúc với các thuốc sát khuẩn thường dùng.
Thủy đậu ở trẻ em là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, rất dễ lây lan thông qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Đặc biệt với trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin khi cùng sinh hoạt chung ở môi trường như nhà trẻ, trường học,… thủy đậu dễ lây qua việc tiếp xúc với các vật dụng chung như đồ chơi hoặc vật dụng cá nhân.
Trẻ em với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus thủy đậu. Bên cạnh đó, trẻ còn quá nhỏ để tự bảo vệ mình trước các tác nhân có thể gây bệnh khi tiếp xúc ở môi trường xung quanh, vì vậy trẻ có thể thoải mái chơi chung, ăn, ngủ cùng các bạn điều này vô tình khiến bệnh dễ lây lan hơn.
3. Triệu trứng của bệnh thủy đậu
Triệu chứng dễ thấy của bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ là khi trẻ có dấu hiệu xuất hiện những mụn nước li ti, màu đỏ và mọc phát rải rác trên bề mặt da của trẻ, bệnh thủy đậu ở trẻ em sẽ thể hiện qua 4 giai đoạn phát triển, các dấu hiệu của bệnh cũng khác nhau ở mỗi giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn ủ bệnh: Bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh khoảng 14-16 ngày và phát triển trong vòng khoảng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thủy đậu. Ở giai đoạn này người bệnh không có triệu chứng, biểu hiện bệnh nên khó để biết bản thân đang mắc bệnh.
Giai đoạn khởi phát: Đây là giai đoạn tiếp theo sau giai đoạn ủ bệnh, trẻ có thể gặp một số triệu chứng như sốt nhẹ, chán ăn, uể oải,… Trong một số trường hợp trẻ có thể có triệu chứng như nổi hạch sau tai, viêm họng. Các biểu hiện ở giai đoạn khởi phát có thể gần giống với triệu chứng của các bệnh cảm cúm thông thường vì vậy ba mẹ dễ chủ quan, sẽ nhầm lẫn trong điều trị dẫn đến việc bỏ qua thời điểm vàng trong điều trị bệnh ở giai đoạn sơ khai.
Giai đoạn hoàn toàn phát bệnh: Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh đã trở nên rõ ràng trẻ sẽ bắt đầu bị sốt cao, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ cùng với sự xuất hiện của những hồng ban sau đó biến thành các mụn nước ngứa, hình tròn, chứa đầy dịch, có đường kính từ 1 – 3 mm, trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát rất khó chịu. Ban đầu có thể xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bên trong miệng, mí mắt hoặc vùng sinh dục. Mụn nước gây khó chịu, nếu để mụn nước vỡ tăng nguy cơ bội nhiễm.
Giai đoạn hồi phục: Nếu được điều trị đúng cách, trẻ có thể hồi phục sau mắc bệnh trong vòng 7-10 ngày, các nốt mụn nước sẽ tự vỡ ra và khô lại rồi bong vảy, sau đó dần hồi phục trở lại. Ở giai đoạn này, ba mẹ cần vệ sinh cẩn thận các vết thủy đậu trên người trẻ, tránh để nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng kết hợp các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm để tránh các nốt sẹo rỗ do thủy đậu để lại.
4. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần chú ý hạn chế tối đa việc để trẻ tiếp xúc với người bệnh. Tập cho bé thói quen rửa tay với xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sử dụng các dụng cụ vệ sinh riêng. Bố mẹ lưu ý để phòng luôn thoáng mát, vệ sinh nhà cửa và các vật dụng với dung dịch sát khuẩn lành tính. Chú trọng thêm vào chế độ dinh dưỡng và vận động để trẻ có một sức khỏe tốt, đề kháng cao.
Biện pháp phòng tránh lâu dài và hiệu quả bệnh thủy đậu ở trẻ em chính là tiêm chủng vaccine thủy đậu theo đúng lịch. Việc tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất đề phòng tránh mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em. Đặc biệt tiết kiệm về chi phí và hạn chế ảnh hưởng lâu dài của bệnh lên sức khỏe của trẻ nếu chẳng may trẻ có biến chứng. Hiện nay vaccine thủy đậu có thể tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi cho đến người lớn.
Ba mẹ cần tìm các trung tâm tiêm chủng có nguồn vaccine uy tín để cho trẻ có thể tiêm đầy đủ và đúng lịch, đảm bảo hiệu quả phòng ngừa cao. Đặc biệt vào thời điểm thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, thuận lợi cho các virus phát triển và lây lan dịch bệnh.