Táo bón thai kì. Nguyên nhân và cách hạn chế!

Trong thai kỳ, những lần táo bón ở bà bầu thường ít được quan tâm. Có thể vì biểu hiện của táo bón không quá trầm trọng khiến nhiều bà bầu và gia đình chủ quan. Nếu tìm hiểu kỹ, mẹ sẽ nhận thấy táo bón trong thai kì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Ước tính có một nửa số sản phụ mắc vấn đề táo bón trong các giai đoạn của thai kỳ nhưng rất nhiều trong số đó vẫn chưa biết các biện pháp điều trị và phòng tránh. Bài viết hôm nay sẽ gửi đến các mẹ một số lời khuyên để giảm thiểu tình trạng này.

Trước hết mẹ cần tìm hiểu táo bón là gì?

Táo bón khi mang thai có liên quan đến sự di chuyển của các chất thải có trong đường ruột. Khi có sự gián đoạn của quá trình luân chuyển này, dẫn đến chất thải bị dồn lại lâu hơn và gây ra táo bón, dẫn đến đau hậu môn và đôi khi gây mất nước ở các mô. Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hôi miệng, cơ thể cảm giác thấy mệt mỏi và chậm chạp.

Táo bón thường gặp nhất vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối khi mang thai. Đây là một trong những biểu hiện gây khó chịu nhất khi mang bầu.

Nguyên nhân gây ra táo bón trong thai kì 

Chèn ép dây thần kinh và tĩnh mạch vùng chậu: Thai nhi ngày càng phát triển lớn là nguyên nhân gây chèn ép lên các dây thần kinh và tĩnh mạch vùng chậu. Đường tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng nên làm khả năng tiêu hóa, di chuyển của thức ăn trong ruột cũng chậm hơn.

Mất nước: mẹ bầu bị mất nước do ốm nghén trong ba tháng đầu cũng gây ra chứng táo bón.

Tăng hormone Progesterone: Trong thai kỳ, hormone này được cơ thể mẹ tiết ra để sử dụng nhiều hơn, nó cũng đồng thời khiến cơ bắp thư giãn, hoạt động co bóp của ruột kém đi. Việc ruột di chuyển chậm khiến tiêu hóa chậm hơn, sự hấp thu nước vẫn xảy ra khiến tình trạng táo bón thường xảy ra.

Lười vận động: Cơ thể nặng nề vào những tháng cuối thai kỳ khiến cho mẹ bầu lười vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chứng táo bón thai kỳ tăng lên.

Do bổ sung sắt và canxi quá nhiều mà không đúng cách: trong thai kỳ, mẹ cần bổ sung thêm vi chất để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, việc lựa chọn không đúng loại vi chất và liều lượng không đúng khiến cho mẹ bầu bị táo bón, nóng trong.

Do lạm dụng thuốc: Việc lạm dụng các thuốc nhuận tràng trong thời gian dài và liều lượng cao sẽ khiến cho các chức năng của ruột suy giảm, dẫn đến táo bón.

Ăn uống quá nhiều: Nhiều bà bầu ăn uống nhiều và uống nhiều loại sữa bầu để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi nhưng ăn nhiều có thể khiến cơ thể không kịp hấp thu và tiêu hóa, thức ăn sẽ đọng lại là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

Thói quen nhịn đi vệ sinh: điều này khiến cho phân lưu lại trong ruột lâu hơn, sự tái hấp thu nước khiến cho phân cứng, táo bón. Ngoài ra, việc ăn nhiều chất khó tiêu khiến hệ tiêu hóa không thể tiêu hóa kịp dẫn đến táo bón.

Táo bón thai kì. Nguyên nhân và cách hạn chế! 1

Cách hạn chế táo bón thai kì

Bổ sung đủ nước mỗi ngày: Uống đủ nước mỗi ngày không chỉ giúp đẹp da mà còn rất hiệu quả trong việc hỗ trợ tiêu hóa và nhận tràng. Vậy nên, lời khuyên cho các mẹ bầu là hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày. Lượng nước bổ sung cho cơ thể có thể là nước lọc, canh, nước trái cây… Ngoài ra, việc uống đủ nước còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa được phù nề trong thai kỳ và cân bằng nhiệt độ cơ thể, giúp thai nhi hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Một chế độ ăn dồi dào chất xơ sẽ giúp mẹ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả hơn. Chất xơ sẽ giúp hút nước cho khối phân, giúp mềm phân và phân có thể thải ra một cách dễ dàng hơn. Mẹ nên bổ sung các loại chất xơ hòa tan từ mận, táo, chuối, rau xanh…Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều chất xơ cũng có thể khiến cho khối phân quá to, cũng sẽ khiến mẹ khó khăn hơn trong đi nặng. Do đó, mẹ chỉ nên ăn một chế độ ăn chứa lượng chất xơ vừa đủ.

Ăn nhiều thực phẩm lợi khuẩn: Đường ruột giữ được sự cân bằng nhờ sự tồn tại theo tỷ lệ nhất định giữa lợi khuẩn và hại khuẩn. Do đó mà đường ruột khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn. Việc tăng cường bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa là cần thiết, nhất là với bà bầu. Vi khuẩn acidophilus trong sữa chua có tác dụng kích thích lợi khuẩn đường ruột phân giải thức ăn tốt hơn, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn. Bà bầu hãy ăn sữa chua hàng ngày để cải thiện các vấn đề tiêu hóa và táo bón.

Chăm chỉ vận động nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng thường xuyên cũng sẽ giúp thai phụ ngăn ngừa bị táo bón khi mang thai. Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội hoặc tập một số bài yoga cho bà bầu để vừa cải thiện sức khỏe, vừa giúp tiêu hóa tốt.

Tuyệt đối không nhịn đi vệ sinh: Việc nhịn đi vệ sinh có thể dẫn đến bệnh trĩ, táo bón. Vì vậy, khi có nhu cầu đi vệ sinh, mẹ không nên nhịn. Nếu có thể, hãy tập thói quen đi đại tiện vào một vài khung giờ nhất định, điều này sẽ giúp mẹ từ từ giảm chứng táo bón. Ngoài ra, một tư thế đi vệ sinh đúng cách sẽ giúp giảm áp lực lên ruột và nguy cơ mắc bệnh trĩ cho mẹ bầu.

Bổ sung Sắt và Canxi đúng cách: Việc bị táo bón khi uống sắt và canxi cũng rất thường gặp. Để hạn chế điều này, mẹ nên lựa chọn sắt hữu cơ như sắt fumarat, sắt gluconat…; canxi hữu cơ, canxi từ sữa…Những dạng sắt, canxi này sẽ thân thiện với đường tiêu hóa, dễ hấp thu hơn nên ít gây kích ứng trên dạ dày hơn. Bên cạnh đó, mẹ nên lựa chọn những loại vitami có hàm lượng canxi dưới 500mg để không gây ức chế hấp thu sắt. Đồng thời nên bổ sung kết hợp với vitamin D để canxi được hấp thu tốt hơn. Ngoài ra, khi uống sắt và canxi, mẹ nên uống thêm nước cam để hỗ trợ cho việc hấp thu sắt và canxi tốt hơn.

Táo bón thai kì. Nguyên nhân và cách hạn chế! 2

Với những thông tin bổ ích ở trên đây chắc chắn sẽ giúp tình trạng táo bón ở mẹ bầu được cải thiện hiệu quả. Khi thấy bệnh tình không có sự cải thiện hoặc xuất hiện các dấu hiệu lạ, các mẹ bầu nên đến gặp các bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

Chúc các mẹ có một thai kì thuận lợi và khỏe mạnh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *