Hội chứng Tic đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nếu ba mẹ thấy con trẻ có những biểu hiện bất thường như thường xuyên nháy mắt, tặc lưỡi, phát ra những âm thanh kì lạ,…thì không được chủ quan. Rất có thể đây là một trong những biểu hiện của hội chứng Tic. Vậy hội chứng Tic là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và lưu ý trong điều trị của hội chứng này thông qua bài viết dưới đây.
Hội chứng Tic là gì?
Hội chứng Tic hay còn được gọi là rối loạn vận động – ngôn ngữ không có chủ ý. Hội chứng Tic là sự cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là Tic vận động; xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là Tic âm thanh. Đây là hội chứng xuất hiện đa số ở trẻ nhỏ.
Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này, thường xảy ra trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn, nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.
Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau. Có 2 loại Tic chính, đi kèm với những biểu hiện không giống nhau:
- Tic âm thanh bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét, nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh
- Tic vận động bao gồm: Nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm, hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn…
Nguyên nhân gây ra hội chứng Tic
Hội chứng Tic có thể xảy ra do yếu tố di truyền hoặc xảy ra do các yếu tố bên ngoài như lo lắng, xem tivi, chơi các trò chơi điện tử, tiếp xúc với đồ công nghệ,.. quá nhiều.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19 cũng có dấu hiệu gia tăng trẻ mắc hội chứng Tic. Nguyên nhân vì trẻ không được hòa nhập, giao lưu, vui chơi như bình thường mà thông qua công nghệ để giải trí, học tập, “giết” thời gian. Từ đó, trẻ “nghiện” các thiết bị di động, điện tử. Khi sử dụng kéo dài và quá nhiều, quá tập trung vào thiết bị, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Tic ở trẻ.
Cách phòng ngừa hội chứng Tic
Trẻ mắc hội chứng Tic vẫn rất tỉnh táo, nhận thức bình thường, không ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp… Tuy nhiên, nếu không được điều trị, trẻ đến trường sẽ bị kỳ thị, tự ti làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, tâm lý của trẻ nhỏ.
Tic là các rối loạn thần kinh và không phải là lỗi của trẻ. Sự quan tâm và cách chăm sóc của cha mẹ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị và ngăn ngừa rối loạn Tic. Một vài lưu ý giúp ba mẹ phòng ngừa hội chứng Tic ở trẻ:
- Giữ không khí trong gia đình hài hòa, không bị căng thẳng. Vì căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn Tic ở trẻ.
- Kiểm tra các thực phẩm trẻ ăn. Có một số trẻ có thể bị dị ứng thực phẩm, gây ra chứng rối loạn này. Cha mẹ nên ngừng cho trẻ ăn các thực phẩm làm từ sữa, màu nhân tạo, chất bảo quản, thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm gluten khác trong một thời gian.
- Cho trẻ di ngủ đúng giờ, ngủ đủ vào ban đêm. Trẻ em nên ngủ ít nhất 10 giờ mỗi ngày.
- Ăn thức ăn giàu magie.
- Đảm bảo trẻ có một chế độ ăn uống đủ chất lành mạnh, lối sống và môi trường sống tích cực.
- Trấn an, giúp bé thoải mái, hướng dẫn bé ứng xử khi Tic xuất hiện
Tâm lý gia đình của những người mắc hội chứng Tic có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị hội chứng Tic. Gia đình có thể lo sợ Tic và có các phản ứng khác nhau. Do đó, cần giải thích cho các thành viên gia đình hiểu biết về Tic, nhận thức rõ và làm dịu các phản ứng đó: không quá lo sợ Tic, không kìm nén Tic, không xem Tic là vấn đề gì lớn, đồng thời có thái độ đúng mực với người mắc hội chứng Tic.