Thống kê của Viện Răng hàm mặt quốc gia gần đây cho thấy: Số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ 4 – 8 tuổi bị sâu răng, hơn 90% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Trẻ sơ sinh và trẻ tập đi cũng có nguy cơ bị bệnh sâu răng như những trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành. Chăm sóc răng miệng cho trẻ cần phải được bắt đầu từ lúc mới sinh. Việc đánh răng hàng ngày là thói quen mà bất cứ bạn nhỏ nào cũng cần được cha mẹ yêu cầu thực hiện nhằm giúp các bé bảo vệ răng miệng của mình. Tuy nhiên, đánh răng không đúng cách có thể khiến vi khuẩn phát triển và tấn công vào răng, nướu và làm mòn lớp men răng. Dưới đây là hướng dẫn mẹ cách đánh răng đúng cách cho trẻ.
1. Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về răng miệng của trẻ
Sự chủ quan của cha mẹ trong vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ: Sâu răng từ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tâm lý giao tiếp của trẻ mà còn gây nhiều bất lợi cho các bé khi trưởng thành. Một nguyên nhân quan trọng là nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức đầy đủ về ý nghĩa của chăm sóc răng miệng ở trẻ, với suy nghĩ con còn nhỏ, chưa cần đánh răng hàng ngày.
Sự phổ biến của đồ hộp, thức ăn nhanh: Điều kiện sống được nâng cao đồng nghĩa với việc thói quen ăn uống cũng bị thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây người chúng ta ăn uống lành mạnh hơn với các loại thức ăn tươi thì hiện nay, đồ hộp, đồ ăn nhanh, nước uống có đường ngày càng phổ biến. Đây chính là một trong những tác nhân gây các bệnh răng miệng ở trẻ em.
Đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ: Việc đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ là nguyên nhân gây sâu răng. Khi kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Nếu không chải răng kỹ lưỡng mỗi ngày, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tiết ra axit có hại, phá hủy men răng và làm sâu răng, đồng thời lâu ngày sẽ tạo thành vôi răng (cao răng) gây viêm nướu (đỏ, sưng và chảy máu nướu), bệnh nha chu và thậm chí mất răng nếu không được chữa trị kịp thời.
2. Những ảnh hưởng khi trẻ mắc bệnh răng miệng.
– Khi mắc bệnh răng miệng, miệng trẻ thường bị hôi, ăn uống kém do đó trẻ dễ bị biếng ăn, nặng hơn có thể mất ngủ, gầy sút nhanh nếu kéo dài có khả năng dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu mất răng sẽ phát âm không chuẩn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập trong lứa tuổi học sinh.
– Các bệnh nhiễm khuẩn ở răng miệng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm khuẩn ở các bộ phận gần như: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang hay gây viêm các cơ quan xa hơn như: tim, thận, khớp.
– Ngoài ra, khi cơ thể thiếu các yếu tố vi lượng cũng gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng: thiếu vitamin C gây chảy máu lợi do thành mạch yếu, thiếu vitamin D gây rối loạn chuyển hóa xương làm răng mọc chậm, thiếu canxi, flour làm răng yếu dễ bị sâu.
-Sâu răng là một bệnh ở tổ chức cứng của răng, làm tiêu dần các chất vô cơ và hữu cơ ở men và ngà răng thành lỗ sâu. Nguyên nhân gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường trong thức ăn và thời gian để vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng.
Tuổi của răng sữa kéo dài 6 – 12 năm. Trong quá trình mọc răng, lần lượt từng răng sẽ bị thay chứ không phải thay cùng lúc, nên nếu nhổ răng sữa sớm do sâu răng, các răng bên cạnh sẽ bị xô lệch, chiếm chỗ của răng vĩnh viễn. Khi bị “chèn ép” như vậy, răng vĩnh viễn bắt buộc mọc lệch, mọc xiên hoặc cũng có trường hợp không mọc được, phải nắn chỉnh rất tốn kém. Ngoài ra, trẻ mất răng sữa sớm, không ăn nhai thì xương hàm không phát triển, dẫn đến khuôn mặt thiếu cân đối.
3. Cách chăm sóc răng miệng cho bé theo từng độ tuổi
Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng sớm cho trẻ là điều quan trọng đối với các bậc cha mẹ. Có nhiều cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ, trong đó, cha mẹ nên lưu ý đến việc chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp lứa tuổi và thực hành chải răng đúng cách.
Từ 0 – 6 tháng tuổi:
Ở giai đoạn này, trẻ còn rất nhỏ và chưa có răng nên việc vệ sinh cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, tỉ mỉ:
– Vệ sinh miệng cho bé bằng một miếng gạc hoặc vải mềm, sạch. Nhúng gạc vào nước ấm và lau nhẹ nhàng nướu của bé sau khi ăn hoặc trong lúc tắm cho bé.
– Mẹ cần hạn chế ăn đồ chứa quá nhiều đường, gia vị cay nồng để không ảnh hưởng tới chất lượng sữa khi cho bé ti.
– Nếu trẻ mọc răng, cần ngăn trẻ cho tay vào miệng để hạn chế vi khuẩn có hại tấn công.
Từ 6 – 18 tháng:
Trẻ bắt đầu có dấu hiệu mọc răng sữa nên việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng đóng vai trò rất quan trọng cho cả quá trình phát triển sau này:
– Hạn chế để trẻ ti bình liên tục quá nhiều lần trong ngày hoặc trong lúc ngủ.
– Vệ sinh khoang miệng, rơ lưỡi cho bé ít nhất 1 lần/ngày.
– Ngăn trẻ có các thói quen mút tay, ngậm đồ chơi để không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng miệng.
– Cho trẻ uống đủ nước theo thể trạng và tháng tuổi theo khuyến cáo.
Từ 18 – 24 tháng:
– Thời điểm này trẻ đã mọc răng sữa, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách chải răng nhẹ nhàng mỗi ngày.
– Sử dụng kem đánh răng chuyên dụng dành cho trẻ, lượng kem vừa phải.
– Hướng dẫn trẻ súc miệng kỹ sau mỗi lần chải răng.
– Giảm bớt các bữa ăn phụ, đồ ăn ngọt, chứa nhiều dầu mỡ.
– Cần tránh cho trẻ uống nhiều nước ngọt, đồ uống có gas…
Từ 2 – 5 tuổi:
– Hướng dẫn con đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần sau khi ăn và sau khi ngủ dậy.
– Sử dụng kem đánh răng có chứa flour vừa phải, chải sạch nhẹ nhàng các mặt của răng.
– Súc miệng thật sạch, chải cả mặt lưỡi để loại bỏ tối đa vi khuẩn trong khoang miệng.
– Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, hạn chế các loại thức ăn nhanh, nhiều đường, nhiều dầu mỡ.
Từ 6 – 12 tuổi
– Giai đoạn này, trẻ đã thay răng sữa và bắt đầu mọc răng vĩnh viễn nên cần được vệ sinh thường xuyên mỗi ngày.
– Trẻ cần phải đánh răng đều đặn từ 2-3 lần hằng ngày và sử dụng kem đánh răng phù hợp.
– Súc miệng sạch bằng nước hoặc nước muối sinh lý để làm sạch toàn bộ khoang miệng.
– Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, thức ăn nhanh, nước ngọt, đồ uống có gas…
– Đeo các khí cụ tiền chỉnh nha đúng cách và đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa.