Hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho người lần đầu làm mẹ!

Việc chăm sóc đúng cách, đầy đủ cho trẻ sơ sinh không chỉ bắt đầu sau sinh mà cha mẹ cần chuẩn bị mọi mặt từ giai đoạn trước sinh, đặc biệt về mặt kiến thức và tâm lý. Đối với người lần đầu làm mẹ, việc chăm sóc trẻ con còn khá bỡ ngỡ, vụng về, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Bé mới tiếp xúc với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ nên sẽ có nhiều vấn đề và phải dần thích nghi với việc tự thở, tự bú và chống chịu dưới thời tiết bên ngoài lúc nóng lúc lạnh. Để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bé thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách là vô cùng quan trọng.

1. Cách bế trẻ

Trước khi bế bé lên, mẹ cần lên tiếng cho bé biết là sẽ bế bé. Hãy nhìn và âu yếm trò chuyện với bé, nhẹ nhàng luồn hai tay xuống dưới đầu, vai và mông bé để bế bé lên một cách nhẹ nhàng. Điều này giúp bé không giật mình, khóc hoảng vì bất ngờ bị nhấc lên khỏi chỗ nằm.

Khi bế bé lần đầu tiên, mẹ thường sẽ có chút lúng túng nhưng hãy nhẹ nhàng, sau vài ngày, mẹ sẽ biết bé thích được bế ở tư thế nào nhất. Mỗi bé sẽ thích được bế ở một tư thế riêng, có bé thích vác vai, có bé thích được ẵm ngửa,..

Hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho người lần đầu làm mẹ! 1

2. Cách cho trẻ bú và ngủ

Nên sớm bắt đầu cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh. Những giọt sữa non đầu tiên chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất bổ dưỡng, rất cần thiết cho bé. Cần chọn tư thế bú sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái, có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm.

  • Tư thế ngồi: người mẹ ngồi thật thoải mái, lưng có thể tựa sao cho cơ vùng cổ và thắt lưng không bị căng gây mỏi và đau lưng. Trẻ được giữ chắc và nâng bởi vòng tay của mẹ. Có thể chêm thêm gối phía dưới để việc nâng trẻ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
  • Tư thế trẻ nằm sát mẹ: Người mẹ nằm nghiêng, đùi dưới kê trên gối, chân trên gập ở đầu gối. Đặt bé nằm nghiêng quay mặt về phía mẹ sao cho miệng bé áp sát ngực dưới của mẹ. Mẹ dùng cánh tay phía dưới để đỡ đầu bé nhằm áp miệng bé vào vú mẹ.

Cho trẻ bú mẹ cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu, thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2 đến 3 giờ, mỗi lần từ 15 đến 30 phút. Nếu bé ngủ quá nhiều thì nên đánh thức và cho trẻ bú mỗi 3 giờ. Nếu trẻ không bú 2 cữ hoặc phản xạ nút quá yếu, hay nôn ói … thì nên cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Khi hâm nóng sữa mẹ, không đun sôi trên bếp mà làm ấm sữa trong bình chứa bằng cách ngâm cả bình vào một ca nước ấm sao cho nhiệt độ trong bình sữa mẹ không quá 40 độ C. Nếu sữa mẹ đã đông lạnh thì có thể làm tan bằng cách cho bình sữa vào ca nước sôi, sau đó lắc đều và bảo đảm nhiệt độ đủ ấm.

Cần cho bé ngủ ở phòng sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh để bé dễ ngủ. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh thì nhiệt độ phòng thích hợp là khoảng 28 độ C. Không nên để nhiệt độ phòng quá thấp vì có thể khiến bé bị cảm lạnh hoặc nhiệt độ cao sẽ khiến con dễ đổ mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu, ngủ không ngon giấc.

Hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho người lần đầu làm mẹ! 2

3. Cách tắm rửa vệ sinh

Thay tã: Mẹ có thể cho bé dùng tã vải hay tã giấy hoặc dùng xen kẽ cả hai loại tã để tiết kiệm. Khi chọn tã giấy cho con, nên chọn loại có kích cỡ thích hợp, có tính năng chống hăm, ngứa. Nếu cho con dùng tã vải, nên chọn loại có chất liệu cotton mềm, thấm nước tốt.Nên thay tã cho bé ngay sau khi bé tè hay ị. Khi thay, phải vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé bằng khăn mềm và nước ấm theo hướng từ trước ra sau. Nên thoa kem chống hăm hoặc kem bảo vệ da trước khi mặc tã mới cho trẻ.

Tắm rửa: Để tiện dụng, nên dùng sữa tắm gội 2 trong 1 dành cho trẻ sơ sinh để tắm cho bé. Dùng nước ấm pha với sữa tắm để tắm cho bé. Nước có nhiệt độ khoảng 36 – 38 độ C (tùy theo từng mùa) là thích hợp để tắm cho trẻ. 

Khi đã chuẩn bị mọi thứ, tiến hành tắm cho trẻ theo các bước sau:

  • Mẹ đặt bé nằm trên giường hoặc mặt phẳng, dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lau mắt cho bé theo hướng từ trong ra ngoài.
  • Dùng khăn tắm mềm để làm sạch lỗ mũi cho bé.
  • Lau mặt cho bé.
  • Bế bé lên và gội đầu cho bé: Ngón cái và ngón đeo nhẫn của bàn tay bế bé ép nhẹ 2 vành tai vào sát lỗ tai để tránh nước chảy vào tai bé, tay kia dùng khăn (gạc) thấm nước làm ướt tóc bé. Tiếp theo, lấy một ít dầu gội thoa lên tóc bé rồi xả lại cho sạch, dùng khăn lau khô đầu bé.
  • Khi bé chưa rụng rốn, nên dùng khăn mềm lau người cho bé, tránh làm ướt rốn. Nếu muốn tắm cho bé, mẹ đặt bé vào trong chậu nước có hòa sẵn chút sữa tắm để tắm nhưng sau đó cần vệ sinh vùng rốn cho bé, tránh nhiễm khuẩn.
  • Cho trẻ sang chậu nước tắm khác để tắm cho sạch lại
  • Đặt trẻ nằm trên giường hoặc mặt phẳng có lót khăn xô khổ lớn, dùng khăn lau khô và ủ ấm cho trẻ.
  • Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mũi rồi dùng bông gòn lau từ trong ra ngoài. Dùng tăm bông/bông gòn để làm sạch vùng bên ngoài tai cho trẻ. Tránh để đầu chai nước muối hay thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt, mũi trẻ.
  • Nhỏ nước muối sinh lý lên gạc rơ lưỡi để làm vệ sinh miệng cho bé.
  • Dùng bông gòn thấm sạch nước quanh rốn, dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau khô rốn. Nên để rốn thoáng, tránh quấn băng gạc ngay nhằm giúp rốn mau khô, nhanh rụng hơn.
  • Mặc áo, tã, bao tay và cho bé bú ngay nếu thấy bé có nhu cầu.
  • Nếu muốn cắt móng tay, móng chân cho bé yêu, bạn hãy cắt sau khi bé vừa tắm xong. Lúc này, bé đang thoải mái và móng lại rất mềm, dễ cắt.

Ngoài ra, cũng có thể đợi cho bé ngủ say rồi cắt. Việc cắt móng tay, móng chân thường xuyên sẽ giúp móng tay, móng chân bé không bị xước, hạn chế tình trạng móng xước móc vào bao tay khiến bé đau, khó chịu hoặc bé tự làm đau mình.

Hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho người lần đầu làm mẹ! 3

4. Chăm sóc da, mắt, mũi, lưỡi

Các giác quan của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, chính vì thế chúng cần được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Cần chú ý:

– Không để trẻ sơ sinh tiếp xúc với mỹ phẩm, xà phòng thô.

– Thay tã ngay khi trẻ làm ướt.

– Sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ cho trẻ sơ sinh để tránh làm da bé bị hăm đỏ do phân, nước tiểu kích thích.

– Giữ cho làn da trẻ có độ ẩm phù hợp.

– Không để mắt trẻ tiếp xúc với hóa chất, nếu trẻ bị chảy nước mắt, xuất hiện ghèn thì chỉ cần vệ sinh bằng nước muối sinh lý.

– Dùng khăn mặt riêng và sạch sẽ để lau mặt cho bé.

– Vệ sinh các bộ phận như mũi, lưỡi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh có thể sẽ rất khó khăn, bỡ ngỡ với nhiều gia đình lần đầu sinh con. Sự chăm sóc đầu đời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ sau này. Ba mẹ hãy cố gắng tìm hiểu, trau dồi kiến thức và kĩ năng thật tốt để có thể chăm sóc con yêu một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *