Hăm tã là một tình trạng viêm da rất dễ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Hăm tã thường gặp do trong giai đoạn mang tã có thể khiến vùng da bị ảnh hưởng của bé ửng đỏ, sáng bóng và làm bé khó chịu. Bệnh thường do tã không được thay hoặc bị ướt thường xuyên hoặc do da bị cọ xát nhiều.Vậy làm cách nào để trị hăm cho bé? Một vài thông tin sau đây sẽ có ích cho các bố mẹ bỉm sữa rất nhiều.
1. Nguyên nhân dẫn đến hăm tã ở trẻ
Hăm tã là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Hăm xuất hiện ở các vùng như mông hoặc bẹn của bé khiến làn da bị ửng đỏ và trở nên đau rát. Một số nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng hăm tã có thể kể đến như:
- Da trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã, hoặc với giấy ướt để lau, làm vệ sinh cho bé, hoặc với các hoá chất dùng tạo mùi thơm cho tã giấy.
- Tình trạng hiễm trùng hay nhiễm nấm cũng là nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ. Nấm hay vi trùng ký sinh thường có ở da, không nguy hại nhưng khi da ẩm ướt, bị dơ do nước tiểu hay phân của trẻ thì nấm và vi trùng dễ phát triển, gây bệnh trên da, làm da đỏ, nổi nhiều mụn nhỏ, ngứa, rát khó chịu.
- Da quá nhạy cảm.
-
Chất liệu tã quá thô ráp khi tiếp xúc với làn da nhạy cảm của bé khiến các con cảm thấy vô cùng khó chịu.
- Hóa chất trong bột giặt và chất làm mềm vải có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé. Một số loại xà phòng thơm và nước thơm cũng có thể gây kích thích cho da.
2. Triệu chứng khi trẻ bị hăm tã
Hăm tã rất dễ dàng để nhận biết bằng mắt thường, ba mẹ có thể thấy các triệu chứng xuất hiện như:
- Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không ngon giấc.
- Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi những mẩn đỏ.
- Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.
- Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da ở phần mông, đùi và bộ phận sinh dục.
- Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé cảm thấy khó chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
3. Cách trị hăm tã cho bé
Cách trị hăm cho trẻ nhỏ bằng dầu dừa cũng rất đơn giản. Đầu tiên, mẹ vệ sinh sạch sẽ vùng da bị hăm bằng nước ấm (35 – 38°C). Sau đó, dùng khăn sạch lau khô vùng da hăm tã cũng như tay của mẹ. Cuối cùng, mẹ thoa một lớp mỏng dầu dừa lên vùng da bị hăm.
Mẹ nên sử dụng 2 lần/ ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất. Mẹ cũng nên cẩn thận trong quá trình lựa chọn dầu dừa cho trẻ, nên sử dụng các sản phẩm nguyên chất và có nguồn gốc rõ ràng.
Sử dụng lá khế trị hăm cho trẻ sơ sinh:
Trong Đông y, là khế được xem là một loại thảo dược tự nhiên, có công dụng tiêu viêm, sát khuẩn,… Trị hăm tã bằng lá khế mang lại hiệu quả cao và giúp giảm nhanh các triệu chứng của trẻ.
Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm 1 nắm lá khế xanh, ¼ thìa muối, khăn sạch và nước sạch. Đầu tiên, mẹ cần ngâm lá khế với nước muối loãng trong khoảng 10 – 15 phút, nhằm loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Tiếp theo, các mẹ giã nát lá khế, cho vào nồi đun sôi cùng 1,5 lít nước và ¼ thìa muối đã chuẩn bị. Sau khi nước sôi, bạn để nước nguội và chắt lấy phần nước. Sau đó, dùng khăn sạch thấm với nước khế và lau rửa nhẹ nhàng vùng da bị hăm. Cuối cùng, rửa lại bằng nước sạch và dùng khăn mềm lau khô vùng da đó.
Mẹ có thể thực hiện cách này 2 đến 3 lần mỗi ngày khi thay bỉm cho bé. Lưu ý, nước giã lá khế nên dùng ngay, không nên để qua đêm hay pha loãng với nước, sẽ làm mất tác dụng.
Cách trị hăm cho trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ:
Sữa mẹ có chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào, vừa giúp ngăn ngừa nấm, vi khuẩn, vừa giúp tái tạo và cải thiện vùng da bị hăm.
Nguyên liệu cho phương pháp này rất đơn giản, chỉ bao gồm nước sạch, khăn mềm và sữa mẹ. Đầu tiên, rửa sạch vùng da của trẻ bằng nước ấm và lau khô bằng khăn mềm. Tiếp theo, nhỏ vài giọt sữa mẹ lên vùng da bị hăm, thoa đều và mát xa nhẹ nhàng trong 3 – 5 phút. Để khô tự nhiên rồi mặc tã mới cho bé.
Mẹ nên thực hiện phương pháp này 1 – 2 lần/ngày khi thay tã cho bé. Lưu ý, mẹ nên sử dụng phần sữa trong, không nên dùng sữa có màu trắng đục, bởi phần sữa này chứa nhiều chất béo dễ làm bít tắc lỗ chân lông của trẻ.
Sử dụng lá trà xanh chữa hăm cho trẻ sơ sinh:
Lá trà xanh vừa giúp sát khuẩn, làm sạch, phục hồi các vùng da bị tổn thương, vừa giúp nuôi dưỡng làn da và nâng cao cơ chế đề kháng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 1 nắm lá trà xanh tươi, 1 thìa cà phê muối, nước sạch và khăn mềm. Pha ½ thìa muối với nước, rồi cho lá trà vào ngâm trong 5 – 7 phút để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn. Tiếp theo, cho lá trà, ½ thìa muối còn lại vào đun sôi với 1 lít nước rồi tắt bếp. Đợi nước nguội rồi chắc lấy phần nước. Có thể pha loãng nước trà để tắm cho bé, hoặc dùng khăn thấm nước rồi vệ sinh vùng da bị hăm.
Mẹ có thể áp dụng phương pháp này 1 lần/ ngày. Lưu ý, không dùng nước trà khi da có vết thương hở, sưng tấy có mũ bởi có thể sẽ khiến vết thương tệ hơn
Cách trị hăm cho trẻ sơ sinh bằng lá trầu không:
Lá trầu không có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và giúp giảm nhanh triệu chứng hăm tã. Bên cạnh đó, các vitamin trong lá trầu cũng giúp dưỡng ẩm và phục hồi vùng da bị tổn thương.
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 3 -4 lá trầu không, 1 thìa muối, nước ấm và khăn sạch. Lá trầu không rửa sạch và ngâm với nước muối loãng trong 5 – 7 phút. Cho lá trầu không vào đun sôi với 1 lít nước trong 10 phút rồi tắt bếp. Đợi nước nguội rồi chắt lấy phần nước. Cuối cùng, dùng khăn sạch thấm với phần nước đã chắt và chấm nhẹ nhàng lên vùng da bị hăm.
Mẹ có thể thực hiện phương pháp này 1 – 2 lần/ ngày. Lưu ý, không nên thấm quá nhiều nước lá trầu không, sẽ làm ẩm vùng da bị hăm và sẽ khó giảm tình trạng hăm.
4. Cách phòng ngừa hăm tã ở trẻ
Thay tã cho bé thường xuyên: Thay tã và vệ sinh thường xuyên mỗi 1 – 2 tiếng/1 lần là cách để ngăn ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do khi bé đi vệ sinh ra tã, sẽ tạo nên môi trường để vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Nếu da bé tiếp xúc với vi khuẩn trong thời gian dài sẽ khiến bé bị hăm tã, phát ban.
Vệ sinh vùng kín của bé bằng nước ấm sau khi sử dụng tã: Khi vệ sinh để thay tã cho bé, bạn chỉ nên sử dụng nước ấm để tránh bị kích ứng. Nếu chỉ lau bằng khăn mà không sạch được, bạn có thể dùng thêm một chút xà phòng loại dịu nhẹ. Sau khi vệ sinh sạch sẽ, hãy để vùng kín thật khô thoáng trước khi cho bé mặc tã mới. Đây là điều mẹ cần lưu ý nếu không muốn bé bị hăm tã.
Nên cho bé thời gian “thả rông”: Cho bé mang tã trong suốt một ngày dài là nguyên nhân chính khiến bé bị hăm. Bố mẹ có thể cho bé “thả rông” trong một khoảng thời gian trong ngày. Điều này sẽ giúp vùng kín của bé khô thoáng hơn, đồng thời giúp bé bớt thấy khó chịu do tã cọ xát vào vùng da bị hăm. Nếu các mẹ sợ ướt giường, có thể lót một chiếc khăn không thấm nước tại vị trí bé nằm.
Nếu bé bị kích ứng thì phải đổi nhãn hiệu tã đang dùng ngay: Nếu đã tham khảo những cách trên mà tình trạng hăm tã của trẻ vẫn chưa được cải thiện, bạn nên đổi cho bé dùng loại tã khác bởi đó có thể là nguyên nhân chính khiến bé bị hăm tã. Khi chọn tã cho bé, bạn nên chọn những loại có chất liệu và thành phần thân thiện với làn da và có kích cỡ phù hợp với trẻ.