Trong quá trình mang thai mẹ bầu sẽ gặp phải rất nhiều các vấn đề gây khó chịu và mệt mỏi. Một vài dấu hiệu chỉ thoáng qua và xảy ra trong những tuần đầu, một số triệu chứng khác kéo dài hơn và xuất hiện gần thời điểm chuyển dạ. Đa số đều sẽ chuyển nhẹ và mất đi sau sinh, tuy nhiên nếu mẹ cảm thấy các triệu chứng này kéo dài và trở nên nghiêm trọng thì phải đến bệnh viện để được thăm khám sớm nhất.
1. Ốm nghén
Các dấu hiệu về nghén rất khác nhau giữa các mẹ bầu, với những biểu hiện chính là buồn nôn, nôn, buồn ngủ, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, dị ứng với mùi, thay đổi khẩu vị,..Thông thường các triệu chứng ốm nghén sẽ xuất hiện phổ biến ở 3 tháng đầu thai kỳ. Có nhiều mẹ sẽ nhận thấy tình trạng ốm nghén ngay từ tuần thứ 4 khi mang thai. Nếu ốm nghén ở mức độ vừa phải, chịu đựng được thì các bà mẹ không cần quá lo lắng, nhưng nếu ốm nghén nặng khiến bạn nôn nhiều, mất nước, suy nhược cơ thể thì cần phải đi khám ngay.
Lời khuyên cho mẹ :
- Ăn thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hoặc bánh quy trước khi ra khỏi giường mỗi sáng
- Ăn một bữa nhẹ giàu protein với thịt nạc hoặc phô mai trước khi đi ngủ
- Nếu đói nhưng lại buồn nôn, hãy thử ăn chuối, gạo và uống trà gừng, cũng như các thực phẩm có vị nhạt
- Chia nhiều bữa nhỏ để ăn nhẹ mỗi 2-3 giờ, ăn chậm và nhai kỹ
- Liên tục uống một ít nước ép trái cây mát trong suốt cả ngày. Tránh uống một cốc lớn cùng một lúc
- Tránh thức ăn cay, chiên, dầu mỡ hoặc có mùi mạnh
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng vitamin B6, các phương pháp điều trị tự nhiên và thuốc theo toa khác nếu muốn dùng thử
- Đến bệnh viện ngay nếu nôn mửa liên tục hoặc nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát.
2. Chuột rút
Sự phát triển của thai nhi làm cho tử cung to dần, tạo ra áp lực lên nửa thân dưới khiến máu lưu thông kém. Do đó, mẹ dễ bị chuột rút ở chân khi xoay người lúc ngủ hoặc khi duỗi nhanh cẳng chân. Khi chân bị chuột rút, hãy duỗi thẳng cẳng chân, hướng các ngón chân về phía trước bàn chân hoặc nhẹ nhàng xoa bóp toàn bộ bàn chân. Thiếu các vi chất như vitamin D, canxi, magie, hoặc không tập thể dục thường xuyên cũng có thể gây ra chuột rút ở chân. Vì vậy, mẹ hãy chú ý ăn thực phẩm giàu canxi, tắm nắng và thường xuyên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
Lời khuyên cho mẹ:
- Ăn và uống thực phẩm giàu canxi, như sữa, bông cải xanh hoặc phô mai;
- Mang giày gót thấp, vừa vặn và thoải mái
- Mang vớ hỗ trợ nhưng không bó quá chật
- Kê cao chân khi ngồi và tránh bắt chéo chân
- Tập thể dục hàng ngày
- Làm động tác duỗi chân trước khi đi ngủ
- Tránh nằm ngửa, vì trọng lượng của cơ thể và áp lực của tử cung mở rộng có thể cản trở lưu thông máu ở chân, từ đó gây ra chuột rút
- Nhẹ nhàng kéo căng phần cơ bắp đang bị chuột rút, duỗi thẳng chân, uốn cong bàn chân và kéo ngón chân về phía thân người
- Massage hoặc chườm nóng vào vùng bị đau.
3. Táo bón
Thường gặp nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ do thai nhi phát triển lớn dần khiến cho cho tử cung bị phình to chèn ép lên trực tràng của mẹ bầu. Táo bón gây nhiều phiền phức cho mẹ, nhẹ thì chán ăn, mất thăng bằng chức năng dạ dày ruột, nặng có thể dẫn tới nhiễm độc.
Lời khuyên cho mẹ:
- Bổ sung nhiều chất xơ (như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả) vào chế độ ăn uống
- Uống ít nhất 6-8 ly nước và 1-2 ly nước ép trái cây mỗi ngày. Nên uống nước ấm, đặc biệt là vào buổi sáng
- Tập thể dục hàng ngày
- Tránh căng thẳng khi đi đại tiện
4. Rạn da
Vết rạn da xuất hiện khi da bị kéo căng để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của thai nhi tác động đến bụng và ngực trong thai kỳ. Vết rạn da là những đường nhỏ có màu hồng, đỏ xuất hiện trên da sau dần chuyển sang màu đậm hoặc trắng.
Lời khuyên cho mẹ:
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho làn da khỏe mạnh (đặc biệt là vitamin C và E)
- Thoa kem dưỡng da giúp làm mềm và giảm khô
- Tập thể dục hàng ngày.
5. Xuống máu chân
Giai đoạn từ 3 tháng cuối của thai kỳ, lượng máu trong cơ thể tăng thêm kèm theo chèn ép do thai nhi phát triển to trong tử cung nên mẹ bầu thường bị phù do ứ trệ tuần hoàn ở nửa dưới cơ thể, đặc biệt là hai chân, dân gian thường gọi là hiện tượng “xuống máu”. Nếu ấn vùng da bị phù thấy có bị lõm thì bạn cần giữ ấm chân và kiểm tra xem có ăn mặn quá không và điều chỉnh chế độ ăn giảm muối. Mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác si về tình trạng phù của mình trong những lần khám tiếp theo để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có.
Lời khuyên cho mẹ:
- Không đứng yên một chỗ trong thời gian dài
- Uống nhiều nước
- Tránh thực phẩm chứa nhiều muối (natri)
- Kê cao chân và bàn chân trong khi ngồi. Tránh bắt chéo chân
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh làm chậm lưu thông và tăng lưu giữ chất lỏng
- Không mang giày chật, chọn giày gót thấp, rộng
- Ăn uống giàu protein để hạn chế ứ nước
- Thông báo cho bác sĩ nếu bàn tay hoặc khuôn mặt của bạn cũng bị sưng lên. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật
- Nằm nghiêng khi nghỉ ngơi để giúp tăng lưu lượng máu đến thận.
6. Khó thở
Trong thai kỳ, bụng bầu ngày càng lớn hơn có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi và đi lại khó khăn hơn. Hiện tượng khó thở cũng là hoàn toàn bình thường, xảy ra do tăng áp lực từ tử cung và thay đổi chức năng sinh lý của phổi.
Lời khuyên cho mẹ:
- Đi bộ chậm và thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi một lát
- Tránh nằm ngửa và cố gắng ngủ với tư thế kê cao đầu
- Nếu khó thở kéo dài liên tục hoặc bạn cảm thấy đau nhói khi hít vào, hãy gặp bác sĩ ngay vì bạn có nguy cơ bị thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi).
7. Chóng mặt
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt, lúc này lượng hồng cầu không đủ để cung cấp oxy đến não và các cơ quan trong cơ thể dẫn đến mẹ bầu bị tụt huyết áp và có thể ngất xỉu đột ngột. Việc ngồi và đứng lên một cách đột ngột khi cơ thể chưa kịp thích nghi cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chóng mặt và ngất xỉu.
Lời khuyên cho mẹ:
- Không nên đứng yên trong thời gian dài
- Nằm nghiêng về bên trái khi nghỉ ngơi giúp máu lưu thông khắp cơ thể
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, đứng lên chậm rãi sau khi ngồi lâu
- Ăn thường xuyên các bữa nhỏ trong suốt cả ngày để ngăn ngừa hạ đường huyết
- Uống nhiều nước.
8. Thay đổi bầu ngực
Đau ngực khi mang thai là dấu hiệu nhận biết có thai sớm 1 tuần mà các mẹ có thể nhận thấy. Lúc này, lượng Hormone thay đổi có thể khiến mẹ cảm thấy ngực của mình bị căng tức và to hơn bình thường. Càng về cuố thai kỳ bầu ngực của mẹ sẽ càng lớn hơn khi các tuyến sữa phát triển. Hiện tượng đau tức ngực này sẽ giảm dần vào các tháng cuối thai kỳ
Lời khuyên cho mẹ:
- Mặc áo ngực dành riêng cho bà bầu, làm từ cotton hoặc sợi tự nhiên, với kích cỡ vừa vặn, chắc chắn mà không gây kích ứng núm vú
- Thử mặc áo ôm ngực thoải mái vào ban đêm
- Nhét một chiếc khăn bông hoặc miếng gạc vào áo ngực để thấm dịch chảy ra từ núm vú.
- Rửa ngực bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để không làm khô da.
9. Đi tiểu nhiều
Tử cung đang phát triển lớn dần làm chèn ép bàng quang, khiến thai phụ đi tiểu nhiều khi mang thai trong 3 tháng đầu. Tình trạng này sẽ lặp lại một lần nữa trong 3 tháng cuối khi đầu của thai nhi di chuyển xuống xương chậu trước ngày sinh.
Lời khuyên cho mẹ:
- Không mặc đồ lót hoặc quần dài bó sát;
- Nếu cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, cần đến bệnh viện điều trị ngay.
10. Ợ nóng đầy hơi
- Ăn chậm và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn
- Uống nước hoặc sữa ấm
- Tránh đồ chiên, cay, hoặc ăn quá nhiều những món khó tiêu
- Không nằm xuống ngay sau khi ăn
- Kê đầu cao hơn chân hoặc đặt gối dưới vai để ngăn axit dạ dày trào lên cổ họng
- Không trộn thực phẩm béo và đồ ngọt, chất lỏng và rắn trong một bữa ăn