Bổ sung canxi cho mẹ bầu và những điều cần biết

Đối với mẹ bầu, nhu cầu bổ sung canxi cao gấp khoảng 1,5 lần so với người bình thường nếu mẹ bầu thiếu canxi thì một lượng nhất định từ hệ xương của mẹ sẽ bị bòn rút để chuyển cho sự phát triển của bé. Hậu quả là, cơ thể mẹ bị đau nhức cơ, chuột rút, thai nhi có nguy cơ suy dinh dưỡng, lùn thấp, còi xương bẩm sinh.

Vai trò của Canxi đối với mẹ bầu

Trong suốt thai kỳ, canxi được xem là nhân tố quan trọng đối với sức khỏe của cả thai nhi và mẹ bầu. Không chỉ là thành phần cơ bản cấu tạo xương răng, canxi còn tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh cơ, hoạt động của tim mạch, chuyển hóa tế bào, quá trình đông máu…

Thai nhi không tự tổng hợp được canxi, một lượng lớn canxi từ người mẹ sẽ được huy động để hình thành và phát triển hệ xương răng cho bé. Từ tuần thứ 29 trở đi, trung bình mỗi ngày bé lấy khoảng 250mg canxi của mẹ.

Do đó, nếu chế độ dinh dưỡng của người mẹ không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi sẽ lấy canxi từ chính xương của mẹ. Sẽ có khoảng 30g canxi được chuyển từ cơ thể mẹ đến bào thai trong toàn bộ quá trình thai kì và 80% quá trình này xảy ra trong 3 tháng cuối.Vì vây, nếu không bổ sung đầy đủ canxi người mẹ dễ bị nhức xương khớp, tê mỏi chân tay, đau lưng, chuột rút, thậm chí là co giật do hạ canxi máu và nguy cơ loãng xương sớm.

Thai nhi cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị còi xương, chậm phát triển, biến dạng xương gây dị hình, lùn thấp…. Đặc biệt giai đoạn về sau, trẻ thường chậm lớn, không cứng cáp, dễ giật mình và quấy khóc. Nhiều trẻ bị thiếu canxi sớm dẫn đến thấp lùn, chân vòng kiềng, dễ bị vẹo cột sống, …

Bổ sung canxi cho mẹ bầu và những điều cần biết 1

Dấu hiệu nhận biết mẹ bầu thiếu canxi

Móng tay dễ bị gãy: Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất của việc thiếu canxi. Tương tự xương, móng tay cũng cần canxi để duy trì độ chắc khỏe. Ở mức độ này, sự thiếu hụt thể hiện rõ ràng khi móng tay trở nên ố vàng, có các vết nứt, móng tay mỏng đi và dễ gãy khi va chạm mạnh.

Đau nhức cơ bắp, chuột rút: Thông thường, cơ thể có đủ lượng hemoglobin và nước, nên đột nhiên đau cơ thì nhiều khả năng do nồng độ canxi quá thấp, nhất là vùng đùi và cơ bắp chân. Các cơn chuột rút, đau cơ hay mỏi lưng khi ngồi là dấu hiệu của việc canxi tụt giảm nghiêm trọng. Vì thế đừng chủ quan với việc chuột rút 2-3 lần/ tuần, đặc biệt khi thức dậy hoặc đi đứng sau thời gian dài ngồi, nằm.

Đau răng: Khi thiếu canxi, mẹ sẽ cảm thấy hàm răng không còn chắc khỏe như trước, bởi thành phần chính cấu tạo nên răng chính là canxi. Khi răng thường xuyên lung lay và đau răng, bên cạnh đó là các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nha chu… ảnh hưởng đến việc ăn uống của mẹ bầu.

Cơ thể mệt mỏi: Canxi cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, vì thế đừng ngạc nhiên nếu bạn hay cảm vặt, sổ mũi… vì thiếu canxi. Bên cạnh đó, tình trạng này còn khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, tay chân rã rời, buồn ngủ và không có năng lượng làm việc – từ thể chất tới tinh thần.

Bổ sung canxi cho mẹ bầu và những điều cần biết 2

Tác hại của việc mẹ bầu thiếu canxi

Khi mang thai, nếu người mẹ không được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày thì bào thai sẽ lấy lượng canxi thiếu đó từ chính xương của cơ thể mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của mẹ. Vì thế bổ sung canxi đủ và đúng liều là hết sức cần thiết.

Huyết áp cao

Canxi không chỉ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống xương chắc khỏe mà còn có khả năng điều hòa huyết áp, phòng chống bệnh cao huyết áp, nhất là đối với bà bầu. Bởi huyết áp cao diễn ra khi cơ tim co bóp kém, chức năng chuyển máu yếu mà khi vận động sẽ thấy tinh thần hồi hộp, thở dốc, đổ mồ hôi… Lúc này, canxi sẽ hỗ trợ đưa huyết áp cơ thể về mức ổn định, tránh được những nguy cơ tiềm tàng từ huyết áp cao.

Còn đối với những trường hợp mẹ bầu có tiền sử huyết áp cao trước khi mang thai thì bước vào giai đoạn thai kì nên bổ sung những dòng canxi tự nhiên, không chứa muối natri để giảm tối đa nguy cơ tăng huyết áp.

Suy giảm khả năng miễn dịch

Canxi đảm nhiệm vai trò như “viên sĩ quan chỉ huy” quá trình phản ứng miễn dịch, bằng cách phát hiện sớm những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, đồng thời kích hoạt năng lực di chuyển và năng lực bao vây, tiêu diệt vi khuẩn, độc tố gây bệnh của tế bào trắng.

Đối với những bà bầu cần chú ý đến khả năng miễn dịch vì cơ thể nhạy cảm dễ bị vi khuẩn tấn công cộng thêm việc hạn chế sử dụng thuốc chữa trị vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu ốm nghén, ăn uống kém càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, nên bổ sung canxi đầy đủ là không thể thiếu.

Tiền sản giật

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối quan hệ giữa thiếu canxi và huyết áp cao, tiền sản giật. Kết quả không ngoài dự đoán, khi những mẹ có tiền sử huyết áp cao sẽ có nguy cơ tiền sản giật cao. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng thiếu canxi, omega 3, vitamin D… có tỷ lệ tiền sản giật cao hơn mẹ bầu bổ sung đầy đủ những chất trên.

Hơn nữa, canxi còn giúp giảm lượng chất béo sản sinh giảm nguy cơ béo phì, từ đó giảm nguy cơ tiền sản giật bởi béo phì cũng là nguyên nhân gây tiền sản giật cho bà bầu.

Biến chứng thai sản

Có thể nói từ tăng huyết áp có thể dẫn đến tiền sản giật, từ tiền sản giật dẫn đến biến chứng thai sản và sinh non tháng sau này.

Như đã nói ở trên, canxi giúp quá trình đông máu diễn ra bình thường, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi máu không đông (băng huyết) là một trong những nguyên nhân gây biến chứng thai sản và tử vong ở mẹ bầu cao.

Sinh non

Sinh non là một trong những hậu quả của việc mẹ bầu thiếu canxi, huyết áp cao và biến chứng thai sản. Có thể thấy việc bà bầu thiếu canxi gây nên “hiệu ứng dây chuyền” dẫn từ tình trạng này đến nguy cơ khác. Khiến mẹ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Việc sinh non ảnh hưởng đến bé nhiều hơn là ảnh hưởng đến cơ thể người mẹ.

Chuột rút

Chuột rút – biểu hiện dễ thấy nhất cảnh báo cơ thể mẹ bầu đang thiếu canxi cũng như những vi chất cần thiết khác. Tình trạng chuột rút ban đêm gây đau đớn, khó chịu, mất ngủ… và thai nhi càng lớn mẹ bầu càng có nguy cơ chuột rút cao. Do đó, mẹ bầu hãy chú ý bổ sung canxi để không bị chuột rút làm phiền thai kì.

Răng lung lay

Canxi chính là thành tố quan trọng chiếm phần lớn cấu tạo nên xương, răng… Vậy nên khi mẹ bầu thiếu canxi thì việc răng yếu, răng ê buốt, viêm nha chu thậm chí là rụng răng là điều khó tránh khỏi.

Đau lưng, đau khớp háng

Việc mang bầu khiến cơ thể mẹ nói chung và hệ xương khớp nói riêng bị chịu áp lực không nhỏ. Cộng với việc thiếu canxi, thai nhi sẽ chủ động trích canxi từ cơ thể người mẹ khiến xương đã yếu lại càng yếu hơn, dẫn đến đau lưng, đau khớp háng, đau nhức cơ bắp ở chân, tê chân tay và nhiều vấn đề xương khớp khác.

Bổ sung canxi cho mẹ bầu và những điều cần biết 3

Bổ sung canxi cho mẹ bầu

Đối với bà bầu, nhu cầu canxi của mẹ trong suốt thai kỳ sẽ được tăng dần theo độ tuổi của thai nhi nhưng chế độ ăn uống thường khó đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng canxi cần thiết. Chính vì vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo ngoài việc bổ sung canxi qua việc ăn uống mẹ cần bổ sung canxi qua viên uống.

Nguồn canxi từ động vật: Cua đồng (5.040mg%, tức là có 5.040mg canxi trong 100g cua); Tôm đồng (1.120mg%); Sữa bột (939mg%), Sữa bò và dê tươi (147mg%).

Nguồn canxi từ thực vật: Vừng (1.200mg%), rau cần (325mg%), cà rốt (323mg%) sữa bột đậu nành (224mg%)…

 Mặc dù các thức ăn đó nhiều Canxi như vậy nhưng không phải ăn vào bao nhiêu canxi thì cơ thể  chúng ta hấp thu được hết mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tùy theo loại thức ăn, ví dụ sữa bò có lượng canxi cao hơn trong sữa mẹ nhưng lại khó được hấp thu hơn. Hay tùy cơ thể mỗi người, tùy thành phần của photpho và vitamin D mà sự hấp thu canxi nhiều hay ít.

Ở phụ nữ trưởng thành lượng hấp thu và chuyển hóa canxi còn phụ thuộc hormon estrogen của buồng trứng vì thế ở người mãn kinh, do buồng trứng không hoạt động, estrogen thiếu hụt làm tăng tình trạng loãng xương. Chính vì vậy việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả, không kiêng khem vô lý và chọn lựa thức ăn có nhiều canxi cho mẹ mang thai là điều cần thiết, tránh được tình trạng thiếu canxi cho cả mẹ và thai.

Lượng canxi cần bổ sung cho phụ nữ mang thai theo thai kỳ

Việc bổ sung canxi khi mang thai không thể tùy tiện và phải có hướng dẫn của bác sĩ, tuy nhiên có 3 giai đoạn quan trọng sau đây mẹ bầu nên biết.

3 tháng đầu thai kỳ: Trong thời kỳ đầu mang thai, thai phụ cần phải được cung cấp khoảng 50mg canxi mỗi ngày. Như vậy, trong 3 tháng đầu, các thai phụ cần khoảng 800mg canxi. Mẹ bầu nên uống 1-2 cốc sữa mỗi ngày sẽ đủ với nhu cầu canxi cơ thể cần trong giai đoạn này.

3 tháng giữa thai kỳ: Đây là giai đoạn các bà bầu cần phải được cung cấp canxi nhiều hơn. Mỗi ngày, bên cạnh việc chú ý bổ sung các thực phẩm có chứa canxi, các bác sĩ sản khoa khuyên thai phụ nên tắm nắng, ánh nắng có thể thúc đẩy sự tổng hợp vitamin D và nâng cao tỷ lệ hấp thu canxi. Ngoài ra, việc vận động có thể nâng cao khả năng hoạt động của xương và khớp, cải thiện tình trạng của xương.

Việc bổ sung canxi cho bà bầu không nên chậm quá 20 tuần của thai kỳ bởi đây là giai đoạn hình thành xương của thai nhi trong bụng. Thời kỳ này, thai phụ cần phải được cung cấp khoảng 1200mg canxi.

3 tháng cuối thai kỳ:3 tháng cuối của thai kỳ là giai đoạn xương của trẻ bắt đầu được ổn định và mỗi ngày, người mẹ cần phải được cung cấp từ 600 đến 1500mg canxi. Như vậy, lượng canxi sẽ đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của cả bản thân người mẹ và thai nhi trong bụng.

Một số lưu ý cần biết khi bổ sung canxi cho bà bầu

Canxi mặc dù rất tốt nhưng cái gì cũng vậy, nếu nhiều quá cũng không tốt vì nếu bổ sung dư thừa canxi thì lượng canxi thừa bị đào thải qua nước tiểu có thể gây sỏi tiết niệu hay canxi hóa động mạch. Với những thai phụ được bác sĩ chỉ định uống bổ sung canxi thì nên lưu ý:- Khi bổ sung viên nang canxi, tốt nhất uống sau bữa sáng (hoặc bữa trưa) 1 tiếng đồng hồ (sau bữa sáng là tốt hơn cả). Tránh uống canxi vào buổi tối (đặc biệt không uống trước giờ đi ngủ) vì có thể gây sỏi thận hoặc cản trở giấc ngủ

– Khi chọn dùng Canxi cho người có thai bạn cũng nên chú ý người có thai không có bệnh lý gì thì dùng thuốc có canxi loại nào cũng được, nhưng đối với người có thai bị tăng huyết áp, tiền sản giật có chế độ hạn chế muối natri thì cần thận trọng khi dùng các loại thuốc canxi có lẫn natri; người có thai mắc tiểu đường cần thận trọng với các thuốc có hàm lượng đường trong đó.

Trường hợp phải dùng thuốc lâu dài thì không nên dùng thuốc canxi có gốc lactate vì khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ sinh ra nhiều acid lactic gây mệt mỏi và nếu phải uống với liều lượng nhiều, nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bởi vì mỗi lần uống cơ thể chỉ có khả năng hấp thu khoảng 500mg canxi một lúc.

– Một lưu ý nhỏ nữa đó là bạn nên chọn loại canxi không chứa chì vì có một số nhãn hiệu viên bổ sung canxi có thể chứa hàm lượng nhỏ chì nhưng cũng đủ gây hại cho thai và không bổ sung canxi cùng lúc với những thực phẩm có chứa oxalate như chocolate, trà (cả trà thảo dược), dâu tây, nước ép hoa quả… vì thực phẩm chứa oxalate khi kết hợp với canxi sẽ làm giảm hấp thu.

Trên đây là tất cả những thông tin cần thiết về cách bổ sung canxi đúng cách cho các mẹ bầu. Mẹ bầu hãy lưu ý và thực hiện đúng để mẹ và bé yêu luôn khỏe mạnh nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *