Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ

Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu có vai trò quan trọng tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể. Tác dụng chính của vitamin A là bảo vệ mắt, chống quáng gà và đặc biệt giúp tăng cường hệ miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ em.

1. Vitamin A là gì? 

Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người, tồn tại dưới dạng nhiều hợp chất, và tan trong dầu

2. Vitamin A có tác dụng gì đối với cơ thể

Trong cơ thể con người, vitamin A tham gia vào hoạt động thị giác. Cấu tạo võng mạc mắt bao gồm hai loại tế bào, đó là tế bào hình nón và tế bào hình que. Trong điều kiện ánh sáng rõ, tế bào hình nón với sắc tố cảm thụ ánh sáng và Iodopsin giúp cho mắt nhìn và phân biệt màu sắc. Trong điều kiện ánh sáng yếu tế bào hình que với sắc tố Rhodopsin giúp đôi mắt có khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu, đây chính là chức năng của tế bào biểu mô trụ. Sắc tố Rhodopsin được tạo nên từ hợp chất protein và carotenoit. Trong đó, carotenoit là dẫn chất của vitamin A, vì vậy khi thiếu vitamin A khả năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ bị giảm.

Hiện tượng này được gọi là quáng gà thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối. Quáng gà chính là biểu hiện lâm sàng sớm của những trường hợp thiếu Vitamin A.

Bên cạnh đó, vitamin A còn giữ vai trò quan trọng trong tăng cường hệ miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ em. Nếu thiếu vitamin A sẽ gây ra các vấn đề như:

  • Các bệnh về mắt: khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn
  • Da niêm mạc: thoái hoá, sừng hoá các tế bào biểu mô
  • Giảm chức năng miễn dịch: giảm chức năng bảo vệ cơ thể, giảm khả năng miễn dịch.
  • Ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ em: tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em, làm cho trẻ chậm tăng cân, tăng chiều cao. Thiếu vitamin A sớm sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ trong độ tuổi đi học.

Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ 1

3. Vai trò của Vitamin A

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ em bao gồm:

  • Tạo máu: Cơ chế trong vai trò tạo máu của vitamin A hiện nay vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, việc thiếu vitamin A có liên quan chặt chẽ với bệnh thiếu máu do thiếu sắt, có thể thiếu vitamin A đã gây cản trở hấp thụ, vận chuyển, và dự trữ sắt.
  • Tăng trưởng và phát triển ở trẻ em: Retinoic acid đóng vai trò như một hormone trong điều chỉnh sự lớn và phát triển của các mô trong hệ cơ xương, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển.
  • Bảo vệ biểu mô: Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc và các loại biểu mô khác như: biểu mô dưới da, các tuyến nước bọt, khí quản, ruột non,… Khi thiếu vitamin A, sẽ làm giảm sản xuất các niêm dịch, dẫn tới da bị khô, nứt nẻ và xuất hiện sừng hóa. Biểu hiện này thường thấy ở mắt, ban đầu là khô kết mạc, sau đó tổn thương đến giác mạc. Các tế bào biểu mô bị tổn thương kết hợp sự giảm sút sức đề kháng đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Miễn dịch cơ thể: Vitamin A và nhiễm trùng có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm phát hiện thêm những giá trị quan trọng của vitamin A đối với sức khỏe của con người.
  • Đáp ứng miễn dịch: vitamin A tham gia tích cực vào sức chống chịu bệnh tật của con người do hoạt động đặc hiệu lên các tế bào của cơ thể.
  • Chống lão hóa: Vitamin A làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do và kéo dài quá trình lão hoá.
  • Chống ung thư: Các thành phần tiền chất vitamin A trong rau củ, và trái cây có chức năng hoạt động kìm hãm các gốc tự do dẫn đến ngăn chặn được một số bệnh ung thư. Vitamin A trong dầu cá không có khả năng phòng bệnh và ngăn ngừa ung thư.

Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ 2

4. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu vitamin A

Nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể thiếu vitamin A là chúng ta không hấp thu đầy đủ liều lượng vitamin A khuyến nghị hàng ngày. Những nguyên nhân gây ra điều đó có thể kể đến như sau:

Do khẩu phần ăn thiếu vitamin A: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và Caroten (tiền vitamin A). Bữa ăn thiếu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong chất béo). Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A.

– Người bị rối loạn hấp thu chất béo: Vitamin A là vitamin tan trong chất béo, do đó những người bị rối loạn hấp thu chất béo có thể bị giảm hấp thu vitamin A và gây thiếu hụt. Những người có tình trạng ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất béo, chẳng hạn như bệnh rối loạn tiêu hóa, rối loạn ống mật, hội chứng ruột ngắn, bệnh tuyến tụy và xơ gan làm giảm khả năng hấp thu vitamin A. Để cải thiện sự hấp thụ vitamin A, những người này nên sử dụng các chế phẩm vitamin A tan trong nước.

Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng sau có liên quan nhiều tới thiếu vitamin A: Sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nhiễm giun nặng, nhất là nhiễm giun đũa. Sởi gây thiếu vitamin A vì khi mắc sởi, nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao. Virus sởi tác động vào hệ thống niêm mạc, do đó rất cần vitamin A để bảo vệ. Mặt khác, sởi có thể có các biến chứng nặng có thể dẫn tới suy dinh dưỡng toàn than. Tiêu chảy làm giảm hấp thu vita- min A ở ruột. Gần đây, người ta thấy cả tiêu chảy cấp tình và nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể gây mất vitamin A qua phân và nước tiểu.
– Thiếu sắt: Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ thể phân hủy và sử dụng vitamin A.

– Thiếu kẽm: Thiếu kẽm có thể gây ra các triệu chứng thiếu vitamin A. Dùng kết hợp vitamin A và các chất bổ sung kẽm có thể cải thiện được tình trạng này 

5. Dấu hiệu trẻ thiếu vitamin A

Khô mắt, quáng gà, khô da, chậm tăng trưởng… là những  dấu hiệu cho thấy trẻ đang thiếu vitamin A, mẹ cần lưu ý. Cụ thể từng dấu hiệu này như sau:

Quáng gà: Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến quáng gà. Đây là hiện tượng thị lực bị giảm do thiếu ánh sáng. Nếu mẹ thấy trẻ chỉ ngồi yên một chỗ không dám di chuyển vào lúc chập choạng tối, hoặc hay vấp phải đồ vật trên lối đi… khả năng cao là bé đã bị quáng gà. Vitamin A tham gia cấu tạo nên các tế bào cảm thụ ăn sáng. Quáng gà là biểu hiện sớm của thiếu vitamin A. May mắn thay, quáng gà khi được điều trị bằng vitamin A liều cao sẽ khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu quáng gà không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

Khô mắt: Khô mắt hoặc tuyến lệ không có khả năng tiết ra nước mắt là một trong các triệu chứng thiếu vitamin A ở trẻ phổ biến. Bởi lẽ, vitamin A cần thiết cho sự phát triển cũng như duy trì chức năng của các mô ở mắt, đặc biệt kết mạc và giác mạc. Tùy thuộc vào mức độ thiếu vitamin A, mắt sẽ gặp các tình trạng như: khô kết mạc (thiếu vitamin A nhẹ), khô giác mạc (thiếu vitamin A nặng). Nghiêm trọng hơn, khô nhuyễn giác mạc có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Khô da: Vitamin A rất quan trọng trong việc sửa chữa và tái tạo các tế bào da, ngăn ngừa viêm da. Nếu trẻ không nhận đủ loại vi chất này sẽ có nguy cơ cao bị khô da cũng như một số bệnh về da khác, trong đó có bệnh chàm

Chậm tăng trưởng: Đây là biểu hiện thiếu vitamin A ở trẻ rất thường gặp. Cùng với vitamin D, vitamin A tham gia vào quá trình phát triển xương và sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Vì vậy, nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Nhiễm trùng đường hô hấp: Thiếu vitamin A cũng đồng nghĩa với sức đề kháng của cơ thể suy giảm, khi đó, trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, đặc biệt mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Chưa kể, hệ miễn dịch suy giảm có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Vết thương lâu lành: Trẻ nhỏ thường hiếu động, hay chạy nhảy nô đùa nên không tránh khỏi bị té ngã, trầy xước. Nếu mẹ thấy vết thương của trẻ lâu lành hãy nghĩ đến khả năng trẻ bị thiếu vitamin A. Nguyên nhân, vitamin A thúc đẩy cơ thể sản sinh collagen – thành phần quan trọng giúp vết thương ở da chóng lành. 

Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ 3

6. Cách bổ sung vitamin A 

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời: Sữa mẹ, đặc biệt sữa non, rất giàu vitamin A. Đối với những trẻ dưới 6 tháng nhưng không bú mẹ, mẹ nên chọn cho trẻ loại sữa công thức có bổ sung đầy đủ vi chất thiết yếu, trong đó có vitamin A.

Bổ sung vitamin A từ thực phẩm: 

  • Tăng cường bổ sung thịt gà, cá hồi, cá ngừ, gan bò, trứng, sữa, phô mai… vào thực đơn của trẻ. Những thực phẩm này chứa lượng vitamin A tạo sẵn dồi dào nên cơ thể trẻ sẽ không mất công chuyển đổi. Lưu ý, dạng vitamin A từ động vật được chứng minh dễ hấp thu hơn so với dạng vitamin A từ thực vật.
  • Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại củ quả có màu sắc sặc sỡ. Chúng có nguồn carotenoids phong phú, khi vào cơ thể trẻ sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Các loại trái cây và rau củ giàu vitamin A carotenoids bao gồm: rau bina, cà rốt, dưa lưới, xoài, cam, đu đủ, bông cải xanh, bí đao, bí ngô… 

Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ 4
Bổ sung vitamin A liều cao:

Bổ sung vitamin A liều cao là thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng một lần.

Đối tượng được bổ sung vitamin A: bổ sung vitamin A 6 tháng một lần cho trẻ 6-36 tháng tuổi (có thể mở rộng đến 60 tháng tuổi) và các bà mẹ trong vòng một tháng sau sinh.

Tháng 3/2011, tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ngừng bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh do nhiều nghiên cứu không thấy hiệu quả, tuy nhiên Việt Nam đang thảo luận và chưa áp dụng khuyến nghị này.

Phác đồ bổ sung hiện tại như sau: Trẻ 6-36 tháng được uống viên nang 200.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi năm 2 lần (đối với trẻ dưới 12 tháng cho uống viên nang 100.000 IU mỗi lần).

Thiếu vitamin A ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách bổ sung vitamin A cho trẻ 5

Tình trạng thiếu hụt vitamin A là rất hiếm khi xảy ra vì vitamin A chứa trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Tuy nhiên nó vẫn có thể gặp phải ở một số người. Nếu mẹ nhận thấy con có bất kỳ dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin A nào, chẳng hạn như quáng gà, mẹ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để có phương điều trị chuẩn xác.

Hi vọng bài viết cung cấp được cho mẹ những thông tin hữu ích về vitamin A, hãy bổ sung vitamin A cho con đầy đủ và đúng cách để con luôn khỏe mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *