Trong suốt quá trình phát triển của trẻ nhỏ, việc đảm bảo trẻ hấp thụ đủ lượng Vitamin và khoáng chất cần thiết là rất quan trọng để đảm bảo cho trẻ một sức khỏe tối ưu. Tuy nhiên, có khá nhiều loại vitamin với những công dụng khác nhau nên các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc xây dựng thực đơn đảm bảo cung cấp đủ vitamin cho bé. Ba mẹ hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Vitamin là gì?
Vitamin là hợp chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Cơ thể không thể sản sinh đủ hàm lượng vitamin vì vậy cần bổ sung thêm bằng các thực phẩm khác. Cấu tạo của vitamin là tổ hợp các phân tử liên quan vitaminers, không bao gồm các phân tử đơn lẻ.
Vitamin được chia ra nhiều loại với từng vai trò khác nhau đối với cơ thể. Ngoài ra, hợp chất này cũng tham gia vào việc tổng hợp, chuyển hóa năng lượng và sử dụng, chuyển hoá các chất dinh dưỡng.
2. Vai trò của vitamin?
Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phần lớn phải lấy từ ngoài vào qua các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày. Vitamin tồn tại trong cơ thể với một lượng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cũng như các hoạt động sống của cơ thể.
Chức năng của vitamin trong cơ thể:
- Là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo nên tế bào, cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống của các tế bào.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất.
- Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
- Tham gia điều hòa hoạt động của tim với hệ thần kinh.
- Vitamin trong cơ thể như một chất xúc tác giúp đồng hóa và biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
- Vitamin có khả năng bảo vệ tế bào khỏi các tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhờ đặc tính chống lại quá trình oxy hóa, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương.
- Tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh lý của cơ thể, làm cường sức khỏe cho cơ thể.
3. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em khác với người lớn
Thông thường, trẻ em cần các chất dinh dưỡng tương đương với người trưởng thành, nhưng ở hàm lượng thấp hơn. Trong giai đoạn đầu đời, sắt, kẽm, i-ốt, choline, vitamin A, vitamin B6, B12 và D là rất quan trọng trong việc phát triển não bộ của trẻ. Khi trẻ lớn lớn, lượng vitamin D cũng như canxi cần thiết cũng tăng theo để duy trì sức khỏe xương khớp, đảm bảo sự phát triển đầy đủ.
4. Những vitamin cần bổ sung cho trẻ
Trẻ em cần nhiều loại vitamin khác nhau, bao gồm cả vitamin tan trong dầu và tan trong nước. Tuy nhiên, 4 loại vitamin quan trọng nhất mà bạn nhất định phải bổ sung đầy đủ cho trẻ là vitamin A, B, C, D.
Vitamin A
Vitamin A là một trong những vi chất hiếm hoi giúp mắt trẻ sáng khỏe đồng thời phòng chống cận thị, mù lòa. Vitamin A đặc biệt cần thiết với trẻ em ngày nay, khi con trẻ được tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm. Điều đó có nghĩa là mắt trẻ phải tiếp nhận ánh sáng xanh từ tivi, điện thoại, máy tính nhiều hơn. Hậu quả là nhiều trẻ đã bị cận thị, loạn thị ngay trong độ tuổi mẫu giáo và tiền học đường. Do đó, bạn nên bổ sung vitamin A để bảo vệ đôi mắt cho trẻ.
Ngoài ra, một tác dụng tuyệt vời khác của vitamin A với trẻ em là tăng cường sức đề kháng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên bổ sung vitamin A cho trẻ từ lúc 6 tháng tuổi để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
Vitamin B
Vitamin B có thể khá xa lạ với nhiều bố mẹ. Không phải vì vi chất này không quan trọng mà bởi số lượng trẻ thiếu hụt vitamin B tương đối ít. Vitamin B thường có nhiều trong gạo, rau xanh và các loại thịt. Đây là những nguyên liệu cơ bản, thiết yếu khi chế biến món ăn hàng ngày cho trẻ. Vì thế, thông thường trẻ sẽ nhận đủ vitamin B thông qua việc ăn uống hằng ngày.
Mỗi loại vitamin B có vai trò khác nhau, bao trùm toàn bộ cơ quan trong cơ thể. Vitamin B1, B3, B6 giúp hệ thần kinh cơ và não bộ của trẻ phát triển. Nếu bạn muốn trẻ thông minh, nhanh nhẹn thì chắc chắn không thể bỏ qua những vi chất này. Vitamin B2, B5, B9, B12 tham gia sản xuất hồng cầu, góp phần ngăn ngừa thiếu máu. Cuối cùng, vitamin B7 rất tốt cho da, tóc, móng của trẻ.
Vitamin C
Trẻ 1 – 6 tuổi cần vitamin C để củng cố sức đề kháng, tăng cường khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. Vitamin C còn có vai trò làm bền vững thành mạch, giảm thiểu nguy cơ xuất huyết. Vai trò này đặc biệt cần thiết với giai đoạn tiền mẫu giáo và học đường, khi trẻ hiếu động, hay chạy nhảy, va đập tay chân và vấp ngã.
Ngoài ra, cơ thể trẻ còn cần vitamin C để duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh, hỗ trợ hấp thu sắt cũng như giúp hệ xương khỏe mạnh. Nếu thiếu vitamin C, trẻ thường xuyên mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, kém nhanh nhẹn. Mẹ sẽ quan sát thấy da trẻ xanh xao, nhợt nhạt vì thiếu máu. Trẻ cũng hay cáu gắt, lo lắng hoặc buồn bã bất chợt.
Vitamin D
Trẻ em cần được bổ sung vitamin D ngay từ khi sinh ra và xuyên suốt những năm tháng đầu đời. Rất nhiều bố mẹ hiểu được vai trò quan trọng của vitamin D nên đã bổ sung đều đặn cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, sau đó lại lơ là, không bổ sung tiếp cho trẻ. Kết quả là số trẻ dưới 6 tuổi thiếu vitamin D nhiều không kém trẻ sơ sinh.
Vitamin D không chỉ có tác dụng phòng chống còi xương ở trẻ nhỏ mà còn giúp men răng chắc khỏe và phát triển chiều cao tối ưu. Nếu không có đủ vitamin D, cơ thể trẻ không thể hấp thu canxi, từ đó xương sẽ giòn xốp, dễ gãy và thấp lùn mai sau. Bên cạnh đó, vitamin D còn giúp trẻ từ 1 – 6 tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ trẻ khỏi nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh.
Với trẻ từ 1 – 6 tuổi, tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý mạn tính nguy hiểm trong tương lai cũng rất quan trọng. Trẻ được bổ sung đầy đủ và liên tục vitamin D trong thời thơ ấu có nguy cơ mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống và ung thư vú, trực tràng… thấp hơn những trẻ thiếu vitamin D. Chính vì những lý do này, mẹ đừng chủ quan và bỏ qua vi chất cần thiết này nhé.
5. Cách bổ sung vitamin hợp lý cho trẻ
Không thể phủ nhận rằng vitamin giữ vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển cũng như hệ miễn dịch của trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ biết cách bổ sung vitamin hợp lý cho trẻ, con sẽ lớn lên khỏe mạnh và đảm bảo tiêu chí phát triển về thể chất cũng như trí tuệ. Có 3 cách để bạn bổ sung vitamin cho trẻ 1 – 6 tuổi. Đó là thông qua chế độ dinh dưỡng, uống bổ sung và tận dụng ánh nắng mặt trời
Chế độ dinh dưỡng
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn có thể bổ sung vitamin cần thiết cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng. Đây cũng là biện pháp chủ đạo và bạn có thể áp dụng hàng ngày.
Vitamin A có mặt trong thức ăn dưới 2 dạng: retinol từ động vật và beta-carotene từ thực vật. Cả 2 dạng tiền chất này đều được cơ thể trẻ hấp thu và chuyển hóa thành vitamin A. Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật giàu vitamin A bao gồm trứng, thịt, sữa tươi, sữa chua, phomai, gan, dầu cá… Trong khi đó, các loại trái cây và rau củ có màu đỏ, vàng, cam, xanh đậm lại chứa nhiều beta-carotene. Rau cải, súp lơ xanh, cà rốt, ớt chuông, bí đỏ, cần tây, cà chua, khoai lang, xoài, dưa vàng, đu đủ, ổi, chanh leo, bơ là một vài ví dụ.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B rất đa dạng. Đó là hoa quả, rau xanh, thịt động vật, các loại hạt và ngũ cốc. Các loại rau quả chứa nhiều vitamin B là cam, dưa hấu, chuối, nho, bơ, rau cải, xà lách, rau bina và đậu cove, đậu Hà Lan, đậu lăng. Các loại thịt (gà, lợn, bò), cá, hải sản (tôm, hàu, ngao), gan, trứng và các sản phẩm từ sữa không chỉ là nguồn protein chất lượng mà còn cung cấp rất nhiều vitamin B cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho trẻ 1 – 6 tuổi ăn ngũ cốc, bánh mỳ nguyên cáo, gạo lứt, hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều để tiếp nhận đủ 8 loại vitamin nhóm B.
Vitamin C có nhiều trong hoa quả và rau xanh. Ổi, kiwi, dâu tây, cam, đu đủ, chanh, bưởi… là những trái cây có vị ngọt dịu, chua nhẹ, rất phù hợp với trẻ. Súp lơ xanh, cải bó xôi, cải xoăn, cà chua, đậu quả cũng là những lựa chọn phù hợp để cung cấp vitamin C cho trẻ trong độ tuổi từ 1 – 6.
Giống như vitamin A, nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D cũng có 2 loại: từ động vật và từ thực vật. Cả 2 nguồn này đều bổ dưỡng và phù hợp với trẻ em. Vitamin D3 có nhiều trong sữa, gan, lòng đỏ trứng, bơ, dầu cá, cá thu, cá hồi. Trong khi đó, vitamin D2 lại tập trung chủ yếu trong nấm và các loại ngũ cốc.
Uống bổ sung
Có nên bổ sung vitamin cho trẻ bằng đường uống không? Câu trả lời là có, đặc biệt với những trẻ lười ăn, biếng ăn. Dẫu vậy, điều bạn cần lưu ý là mỗi loại vitamin có cách uống bổ sung khác nhau.
Với vitamin A, bạn nên cho trẻ đi uống định kỳ 4 – 6 tháng/ lần theo lịch của trung tâm y tế địa phương. Nếu bổ sung vitamin A hàng ngày cho trẻ thì bạn cần chú ý liều lượng, tránh trường hợp ngộ độc vì quá liều. Vitamin B cũng là vi chất không cần bổ sung bằng đường uống, trừ trường hợp trẻ ăn chay trường diễn hoặc đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Beri-beri do thiếu vitamin B. Ngược lại, bạn có thể cho trẻ uống vitamin C và vitamin D hàng ngày tại nhà.
Bạn cũng có thể lựa chọn sản phẩm vitamin tổng hợp để bổ sung cho trẻ hàng ngày. Cách này giúp giảm thiểu số lần trẻ phải uống thuốc nhưng bạn cần kiểm tra kỹ hàm lượng vitamin trong sản phẩm để đảm bảo trẻ không nhận quá nhiều hoặc quá ít so với nhu cầu.
Ánh nắng mặt trời
Tia UVB trong ánh nắng mặt trời là nguồn bổ sung vitamin D quan trọng cho cơ thể. Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, các tế bào biểu bì của da sẽ tự tổng hợp vitamin D. Khác với trẻ nhỏ, trẻ trên 1 tuổi đã có khả năng chống chọi tốt hơn với tia UVB nên bạn có thể cho trẻ tắm nắng. Biện pháp này cực kỳ hữu ích với đất nước nhiệt đới, quanh năm nhiều ánh nắng mặt trời như Việt Nam.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các bậc phụ huynh nắm được nguyên tắc bổ sung vitamin hợp lý cho trẻ. Nhờ vậy bé sẽ phát triển toàn diện về trí tuệ cũng như thể chất, đảm bảo sức khỏe ổn định và hệ miễn dịch tốt.