Thừa cân – Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục

Thừa cân béo phì ở trẻ là tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, trong đó năng lượng đưa vào vượt quá năng lượng tiêu hao.Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của trẻ kéo theo đó là một loạt hệ lụy về các bệnh khác. Thừa cân béo phì gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn. Vậy nguyên nhân do đâu khiến trẻ thừa cân – béo phì, biến chứng và tác hại ra sao? Ba mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thừa cân béo phì là gì?

– Thừa cân béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy mỡ thái quá không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể.

Thừa cân - Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục 1

2. Nguyên nhân khiến trẻ mắc thừa cân béo phì

 Do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực: Khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, do đó năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong cơ thể, do đó những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có khả năng mắc thừa cân béo phì cao nhất.

– Cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ thừa cân béo phì: Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ,

– Yếu tố di truyền: Trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng,nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ.  Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì.

– Ngủ ít cũng được xem như một là một yếu tố nguy cơ cao đối với thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi. Hormon tăng trưởng có liên quan đến hoạt động tiêu mỡ, quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ, do vậy nếu mất ngủ sẽ làm giảm tiêu mỡ đồng thời rối loạn quá trình sản xuất các hormon điều hòa ăn uống, giảm sản xuất leptin giúp não có cảm giác no nhưng tăng sản xuất ghrelin kích thích thèm ăn nên trẻ ăn nhiều.

Thừa cân - Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục 2

3. Tác hại của thừa cân béo phì đối với trẻ?

Không chỉ riêng ngoại hình, “Béo phì” còn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho trẻ:

  • Tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành…khi trưởng thành.
  • Ảnh hưởng lên hệ nội tiết – chuyển hóa: cường insulin (hạ đường huyết), đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…,
  • Trẻ dễ gặp chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí.
  • Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: gan nhiễm mỡ, xơ gan, sỏi mật…
  • Trẻ dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức liên miên.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
  • Trẻ dễ bị gai đen da, rạn da.
  • Ảnh hưởng tâm lý do trẻ dễ bị tự ti về ngoại hình.
  • Béo phì là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé gái.

Tình trạng thừa cân, béo phì nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng sống của trẻ về sau.

Thừa cân - Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục 3

4. Các biện pháp phòng chống thừa cân – béo phì

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: Điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp hoạt động thể lực là cách phòng chống, điều trị thừa cân – béo phì tốt nhất!

Để phòng chống thừa cân – béo phì ở trẻ, bố mẹ nên cùng trẻ thực hiện những việc sau:

– Cho trẻ ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản.

– Ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.

– Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.

– Hạn chế các món rán (chiên), xào. Nên ưu tiên các món luộc, hấp, kho.

– Nhai kĩ và ăn chậm.

– Ăn đều đặn, đúng giờ, ăn đủ 3 bữa, không bỏ bữa (nhất là bữa sáng). ​​Không để trẻ quá đói vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều để bù lại ở các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn. Nên cho trẻ ăn trước 8h tối.

– Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem.

– Trong nhà không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, socola, kem, nước ngọt,…

– Hạn chế tiền tiêu vặt để giảm việc trẻ mua thức ăn không lành mạnh (thức ăn nhanh, chiên rán, đồ ngọt,…) dễ gây thừa cân, béo phì.

– Tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi lâu một chỗ, đọc truyện, chơi game, vào mạng xã hội,…

– Theo dõi cân nặng và chiều cao định kỳ của trẻ bằng cách cân, đo hàng tháng.

– Cho trẻ ngủ sớm (nên ngủ trước 22h) và ngủ đủ giấc.

– Hạn chế các loại đường, kẹo, sữa đặc có đường .

– Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su làm cho trẻ lúc nào cũng muốn nhai.

– Không nên ăn vào lúc trước khi đi ngủ.

– Tăng năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực: Mục tiêu là trẻ tham gia các hoạt động ít nhất trong 60 phút/ngày và 3 ngày/tuần.

– Nghiêm cấm trẻ ngồi lâu với các hoạt động tĩnh.

– Uống đủ nước để bù lại lượng nước trẻ mất qua mồ hôi trong quá trình luyện tập.

5. Trẻ thừa cân béo phì có cần ngưng uống sữa không?

Trẻ thừa cân béo phì không cần thiết ngưng uống sữa vì trẻ vẫn cần nhận đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi và phospho cho sự phát triển xương và răng. Khác với người lớn, trẻ thừa cân béo phì vẫn cần tăng trưởng chiều cao nên việc ăn kiêng không đúng cách có thể làm trẻ ngừng hoặc chậm tăng trưởng. Đối với trẻ thừa cân béo phì nên chọn sữa không béo và không đường.

Đối với trẻ bình thường, để phòng tránh thừa cân béo phì cho trẻ thì cũng không nên uống sữa quá ngọt. Hãy tập cho trẻ thói quen ăn uống giảm ngọt từ đường.

6. Cách phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ

Thừa cân, béo phì ở trẻ ngoài ảnh hưởng đến học tập, tâm lý tự ti còn khiến trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ em theo độ tuổi chính là dành cho các bố mẹ để có hiểu biết tốt hơn về vấn đề này. Cụ thể như sau:

Với trẻ sơ sinh: Mẹ cần cho con bú sữa mẹ, sữa mẹ ngoài chứa kháng thể giúp trẻ phòng tránh bệnh vặt còn giúp trẻ không bị béo phì.

Với trẻ từ 1 – 5 tuổi: Cho trẻ ăn đủ chất, cân đối và bắt đầu hướng dẫn những trò chơi vận động, đưa trẻ ra ngoài trời tắm nắng tăng vitamin D, tránh còi xương.

Với trẻ từ 6 – 12 tuổi:

  • Điều chỉnh béo phì ở trẻ em

  • Bệnh béo phì có nên dùng thuốc?

  • 5 thói quen ăn uống không tốt cho người béo phì

Giai đoạn này trẻ bắt đầu đến trường, vì vậy bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn quá nhiều chất ngọt và chất béo. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động có lợi cho sự phát triển chiều cao như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi đá bóng… mỗi ngày.

Với trẻ từ 13 – 18 tuổi: Dạy trẻ cách ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh béo phì bằng cách nhờ trẻ tìm hiểu, chọn lựa những thực phẩm tốt cho sức khỏe của cả gia đình. Đồng thời giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

Thừa cân - Béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục 4

Thừa cân béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, mà trẻ bị thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn so với các trẻ bình thường khác. Chính vì vậy, ba mẹ tuyệt đối không nên xem thường và chần chừ việc đưa con đến thăm khám để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *