Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Vậy suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là gì, có nguy hiểm với bà bầu không, cách khắc phục suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu như thế nào? Ba mẹ hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn ra, phồng lên, có thể nằm nông và nổi ngoằn ngoèo dưới da, màu tím hoặc xanh, thường xuất hiện ở chân, một số trường hợp thấy cả ở âm hộ hay trực tràng (bệnh trĩ). Khi mang thai, nhiều phụ nữ lần đầu tiên mắc phải tình trạng này, hoặc nếu họ đã bị trước đó thì tình trạng trở nên nặng hơn. Đi kèm với những mạng lưới chằng chịt nổi trên da này là cảm giác nặng nề và đau nhức ở chân cũng như ở vùng da xung quanh, khiến các mẹ bầu khó chịu, thậm chí mất ngủ.
Các triệu chứng trở nên thật sự làm mẹ khó chịu hơn vào cuối ngày, đặc biệt khi trong ngày mẹ phải đứng hoặc đi bộ nhiều.
2. Vì sao mang thai lại gây suy giãn tĩnh mạch
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân chính gây suy giãn tĩnh mạch, ngoài ra còn do thai lớn chèn ép vào các tĩnh mạch ổ bụng, cản trở tĩnh mạch trở về tim. Tuy nhiên, điều may mắn là phần lớn các tĩnh mạch giãn sẽ trở về kích thước ban đầu trong vòng một năm sau sinh.
Những phụ nữ mang thai nhiều lần có nguy cơ bị bệnh tĩnh mạch chi dưới cao hơn so với người mang thai lần đầu.
Biểu hiện thường gặp ở thai phụ bị giãn tĩnh mạch là:
- Phù chân: Nhiều thai phụ bị sưng phù vùng cổ chân, thậm chí cả chân ở những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể xuất hiện do tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đạm…
- Giãn tĩnh mạch chân: Tĩnh mạch giãn mạng lưới thường xảy ra ở tháng thứ nhất hoặc tháng thứ hai của thai kỳ. Thống kê cho thấy khoảng 70% thai phụ bị giãn tĩnh mạch ở tam cá nguyệt thứ nhất và tỷ lệ này tăng lên ở thời điểm gần sinh. Nguyên nhân là do cơ chế giảm hồi lưu tĩnh mạch. Tĩnh mạch giãn mạng nhện có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, cũng có thể tự phát. Tĩnh mạch nông giãn tồn tại trong suốt thai kỳ và biến mất sau sinh.
Ngoài ra, thai phụ còn gặp các triệu chứng khó chịu ở chân như đau nhức, tê mỏi, chuột rút, nặng chân, châm chích khi đứng lâu, ngồi nhiều. Một số người còn bị ngứa chân. Những triệu chứng này sẽ giảm khi thai phụ đi lại, mang vớ áp lực hoặc nghỉ ngơi kê chân cao.
3. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là do các nguyên nhân sau gây ra:
- Sự chèn ép của tử cung: Khi em bé trong bụng càng phát triển, tử cung lớn lên sẽ càng chèn ép tĩnh mạch lớn ở bên phải cơ thể của mẹ (tĩnh mạch chủ dưới), tăng áp lực trong tĩnh mạch chân. Việc giảm lưu thông máu do sự chèn ép của tử cung cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ suy giãn tĩnh mạch hơn.
- Sự gia tăng lượng máu khi mang thai: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể mẹ tăng lên, làm tăng thêm gánh nặng cho tĩnh mạch chân.
- Sự gia tăng của hóc- môn sinh dục nữ khi mang thai: Lượng Progesterone tăng lên dẫn đến tình trạng giãn, sưng các tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch hình sợi hay tĩnh mạch dạng mạng nhện.
- Khả năng bị suy giãn tĩnh mạch của mẹ sẽ cao hơn nếu các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh này. Thường hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Nếu mẹ đã bị suy giãn tĩnh mạch, tình trạng của mẹ có xu hướng trở nên nặng hơn với mỗi lần mang thai
- Thừa cân, mang song thai, đa thai, hoặc thường xuyên đứng trong thời gian dài cũng có thể khiến mẹ có nhiều khả năng bị suy giãn tĩnh mạch.
4. Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?
Chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai hầu như chỉ gây ra những bất tiện cho bà bầu như đau, ngứa và mất thẩm mỹ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp suy giãn tĩnh mạch tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt. Bệnh này thường không gây nguy hiểm, khi huyết khối lớn sẽ làm căng tĩnh mạch và gây ra các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ vùng da xung quanh, và có thể gây đau.
Nếu suy giãn tĩnh mạch khi mang thai tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt thì mẹ nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, bởi vì huyết khối nặng có thể gây nhiễm trùng vùng xung quanh. Dưới đây là một số dấu hiệu bị nhiễm trùng do huyết khối mà mẹ bầu cần đi khám ngay:
- Sốt, kèm theo cảm giác ớn lạnh
- Sưng, phù chân mức độ nặng
- Bị loét hoặc màu sắc da thay đổi.
Huyết khối tĩnh mạch bề mặt do suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu có thể bị nhầm lẫn với huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn đông máu hoặc thường xuyên phải nằm trong thời gian dài có khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng cũng có thể gây đau, sưng ở đùi, cẳng chân hoặc mắt cá chân, nhất là khi đứng hoặc co, duỗi chân.
5. Cách hạn chế suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Mẹ bầu có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất là giảm thiểu chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai nếu mẹ:
- Kiểm soát tốt cân nặng, không tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh.
- Không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, mà thỉnh thoảng nên đứng dậy, đi lại xung quanh để máu huyết lưu thông.
- Không ngồi bắt tréo chân, bởi tư thế ngồi này làm giảm lưu thông máu ở chân bạn.
- Gác chân trên bục thấp (khoảng 15-20cm) để chân và bàn chân được nâng lên khi ngồi làm việc, giúp lưu thông máu dễ dàng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên với sự cho phép của bác sĩ, phù hợp với tình trạng thai của bạn nữa nhé!
- Nằm nghiêng sang trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch lưu thông mang máu từ chân lên đến tim.
- Không đi giày cao gót, không đứng hoặc ngồi một tư thế trong thời gian dài
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và điều độ trong thời gian mang thai để giúp cho hệ tĩnh mạch được khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng nên bổ sung nhiều vitamin C giúp tăng độ vững bền thành mạch, tăng hệ miễn dịch của cơ thể.