Khi trẻ bước vào một giai đoạn phát triển nhất định thì việc bổ sung sữa công thức là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có kinh nghiệm để lựa chọn dòng sữa bột phù hợp với bé nhất. Ba mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Sữa công thức có thể thay thế sữa mẹ không?
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng vì nhiều lý do mà mẹ không thể cho con bú hoặc sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho con. Khi đó sữa công thức là giải pháp an toàn và phù hợp nhất. Trước hết, các mẹ hãy tìm hiểu qua về sữa công thức nhé.
Sữa công thức có thành phần mô phỏng giống với công thức hóa học của sữa mẹ, mỗi loại sữa đều được sản xuất dựa trên một công thức và bắt buộc phải chứa đủ 29 dưỡng chất thiết yếu theo quy định của FAD. Ngoài ra, theo Viện Nhi Khoa Mỹ, sữa công thức phải có đủ thành phần dinh dưỡng: Chất đạm, chất béo, vitamin (A, C, D, E, K ,B1, B2, B6, B12), niacin, acid pantothenic, acid folic, canxi, các khoáng chất (như: magie, sắt, mangan, đồng, kẽm), photpho, iot, sodium chloride, chất bột đường, nucleotide.
Vậy nên, các mẹ có thể yên tâm sử dụng sữa công thức để thay thế một phần hoặc hoàn toàn cho chế độ ăn của con.
Phân biệt sữa non và sữa công thức?
Thuật ngữ “sữa non” ngày nay đã quá quen thuộc với các mẹ rồi, nhưng sản phẩm mô tả có sữa non thì có rất nhiều biến thể thường gắn liền với sữa công thức. Trên thực tế hàm lượng sữa non rất ít hoặc là sữa công thức pha sữa non nên dễ khiến nhiều mẹ lầm tưởng lắm. Vậy làm sao để phân biệt được từng loại?
Sữa non của cả bò hay người đều là loại sữa giàu kháng thể và có tác dụng tăng cường sức đề kháng. Còn sữa công thức là loại sữa được làm theo 1 công thức nhất định phù hợp với từng đối tượng. VD sữa công thức dành cho trẻ phát triển chiều cao sẽ chứa những chất có thành phần giúp tăng trưởng chiều cao, hay sữa cho bà bầu sẽ có thành phần vitamin và khoáng chất bổ sung vào đó… Vai trò của sữa công thức là bổ sung dinh dưỡng cho từng nhóm đối tượng mà sản phẩm hướng đến. Còn nếu muốn tăng đề kháng cho con, các mẹ nhất định phải chọn sữa non có hàm lượng cao lên đến 100%.
Sữa non hàm lượng 100% được dùng bổ sung kết hợp với các thực phẩm hoặc sữa công thức để tăng cường sức khỏe cho trẻ. Sữa non 100% không được dùng thay thế bữa ăn như với sữa công thức bởi hàm lượng rất nhỏ, mỗi lần sử dụng chỉ khoảng 1g/lần
Sữa tươi và sữa công thức có gì khác nhau?
Sữa tươi được sản xuất từ 100% sữa động vật sau khi thu hoạch và qua công nghệ tiệt trùng, đóng gói để tăng thời gian sử dụng cũng như đảm bảo cho sức khỏe người dùng. Sữa công thức được sản xuất từ nguồn sữa tươi của động vật sau đó sấy thành dạng bột và pha trộn bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho từng đối tượng sử dụng theo công thức của từng nhà sản xuất.
Như vậy, sữa công thức có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng có trong sữa tươi ngoài ra còn được bổ sung thêm các vi chất từ bên ngoài. Tuy nhiên sữa sau khi sấy khô một số chất sẽ bị giảm tỉ lệ dinh dưỡng do nhiệt độ cao tùy thuộc vào công nghệ.
Sữa tươi được khuyến nghị dành cho trẻ tư 1 tuổi trở lên (không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi). Sữa công thức nhờ công nghệ sản xuất đã thay đổi về thành phần dinh dưỡng để phù hợp với mọi độ tuổi từ sơ sinh đến người già. Khi lựa chọn sữa cho trẻ từ 1 tuổi mẹ nên cân nhắc sử dụng sữa tươi hoặc sữa công thức tùy thuộc vào sự phát triển của mỗi trẻ. Thông thường trẻ uống sữa công thức từ 0-3 tuổi sau đó dần dần chuyển sang sử dụng sữa tươi. Trường hợp đặc biệt mẹ vẫn phải duy trì sữa công thức cho con.
Sữa công thức và sữa bột pha sẵn có giống nhau không?
Đây là câu hỏi được rất nhiều mẹ quan tâm bởi vì sữa bột pha sẵn ngày nay được dùng rất phổ biến nhờ sự tiện dụng và đặc biệt là trẻ thích hơn khi uống sữa bột. Tuy nhiên cũng không ít mẹ nhầm lẫn giữa sữa bột pha sẵn và sữa tươi và gọi chúng với cùng 1 tên là sữa tươi. Ở trên đã có câu hỏi tương tự được giải đáp giúp mẹ phân biệt sữa bột pha sẵn và sữa tươi.
Theo thông tin từ các nhà sản xuất sữa thì sữa bột pha sẵn chính là sữa công thức được pha với nước theo đúng tỉ lệ pha sữa bột sau đó tiệt trùng và đóng gói để có thể bảo quản trong một thời gian dài. Như vậy trẻ sử dụng sữa công thức và sữa bột pha sẵn có công dụng hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên loại nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm nên cả 2 loại vẫn được sử dụng rộng rãi.
Sữa bột pha sẵn được tiệt trùng nên chỉ được bảo quản trong khoảng thời gian 6-12 tháng trong khi đó một số loại sữa công thức có thời gian bảo quản lên đến 3 năm. Ngoài ra sữa bột pha sẵn chỉ dùng cho những trẻ từ 1 tuổi trở lên, dưới 1 tuổi dùng sữa công thức pha thủ công đảm bảo nhiệt độ sữa và nhiệt độ cơ thể phải phù hợp với nhau.
Có thể dùng song song sữa bột pha sẵn và sữa công thức không?
Thành phần của sữa công thức và sữa bột pha sẵn không khác nhau quá nhiều. Sữa bột pha sẵn vẫn chứa đầy đủ các thành phần: vitamin, khoáng chất, DHA, canxi… mà không cần thêm hay bớt thành phần nào so với công thức tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đưa ra.
Cũng chính vì vậy, chưa thể khẳng định sữa pha sẵn hay sữa bột thì dạng nào tốt hơn. Sự khác biệt chủ yếu là do dây chuyền công nghệ sản xuất, mục đích sử dụng thuận tiện cho người tiêu dùng. Nhờ đó, mẹ không cần lo lắng phải pha sữa như thế nào cho đúng, lượng nước như thế nào cho chuẩn, cho bao nhiêu thìa sữa là vừa. Có chăng, với các mẹ pha sữa sai công thức, sử dụng nguồn nước không chuẩn thì sữa pha sẵn mới có ưu điểm nhiều hơn mà thôi.
Các mẹ có thể kết hợp sử dụng song song 2 dạng sữa này: Những lúc cần gấp, con đói con khóc thì mình dùng sữa pha sẵn rất tiện lợi. Còn những thời gian còn lại mình dùng sữa bột cũng rất hợp lý, có thể điều chỉnh nhiệt độ của sữa để phù hợp thời tiết bên ngoài.
Có nên pha 2 loại sữa công thức chung trong cùng 1 ly không?
Trong mỗi ly sữa nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ lưỡng về năng lượng, vitamin và khoáng chất đầy đủ cho nhu cầu của bé theo độ tuổi. Việc pha trộn các loại sữa với nhau có thể khiến cho bữa ăn của bé bị thừa hoặc thiếu dưỡng chất và có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của bé. Vì vậy mẹ không nên tùy tiện pha các loại sữa với nhau trong cùng 1 ly sữa hoặc pha sữa với các đồ ăn khác nếu không có sự chỉ dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Một số trường hợp ngoại lệ mẹ có thể cho bé dùng xen kẽ các loại sữa theo từng bữa ăn như bữa sáng sữa công thức, bữa chiều sữa tươi và bữa tối sữa công thức. Hoặc một số ít loại sữa được thiết kế đặc biệt cho các bé kén ăn phải pha thêm các hương vị như hoa quả, thức uống để thay đổi vị đánh lừa vị giác để bé uống sữa.
Có thể thêm ngũ cốc hay sữa vào sữa công thức cho trẻ uống không?
Không được thêm bất cứ thành phần gì, kể cả vitamin, ngũ cốc, sữa bò,… vào sữa công thức của con, trừ khi được bác sĩ yêu cầu. Sữa công thức được tinh chế cẩn thận với hàng chục dưỡng chất đo ở liều lượng chính xác, thêm bất kỳ thứ gì cũng đều có thể gây nguy hại đến sức khoẻ của bé.
Khi nào nên đổi sữa công thức cho bé?
Mỗi loại sữa sẽ tạo ra một hệ vi sinh đường ruột khác nhau. Nếu bé đã quen với một loại sữa nào đó đồng thời phát triển tốt, khỏe mạnh thì mẹ không nên vì nghe lời người này người kia mà đổi sữa cho con.
Tuy nhiên, khi con đã chuyển qua cột mốc phát triển mới như 6 tháng, 1 tuổi, 18 tháng,… thì mẹ nên cho bé uống dòng sữa tương ứng với số tháng tuổi của con. Chúng ta không nhất thiết phải đổi nhãn sữa mới nếu nhãn sữa cũ giúp con tăng trưởng tốt. Lý do là nhiều bé sẽ mất không ít thời gian để có thể thích nghi với loại sữa mới, hơn nữa sữa mới chưa chắc hợp với bé.
NẾU PHẢI ĐỔI SỮA, MẸ CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ ?
Mình cần có giai đoạn chuyển tiếp để bé thích nghi với sữa mới cũng như kiểm tra xem sữa mới có phù hợp với bé hay không: Chẳng hạn, nếu một ngày bé uống 3 bữa sữa, mẹ có thể thay bằng 2 bữa sữa cũ và 1 bữa sữa mới. Sau khoảng 3-4 hôm, mẹ có thể thay bằng 1 bữa cũ và 2 bữa mới. Sau một thời gian, mẹ có thể thay thế hoàn toàn loại sữa mới cho bé.
Nếu sữa mới gây nôn trớ hoặc làm bé bị đầy bụng, đi phân lỏng,… thì mẹ nên tiếp tục đổi sữa cho con. Trong trường hợp thay đổi 2, 3 nhãn sữa mà bé không cải thiện tích cực thì hãy nghĩ rắc rối có thể đến từ nguyên nhân khác. Lúc này, mẹ hãy cho bé đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị nếu cần.
Tóm lại, việc đổi sữa cho bé là điều mẹ phải cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của bé.