Khi mang thai, việc hít phải khói thuốc lá hay hút thuốc lá đều gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với bà bầu. Giai đoạn mang thai rất nhạy cảm và hành vi hút thuốc lá dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi trước, trong, và sau khi em bé chào đời. Vậy thuốc lá có ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Những điều cần biết về thuốc lá
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, chia ra làm 4 nhóm chính:
Nicotine (Ni-cô-tin)Ni-cô-tin:
Là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Ni-cô-tin được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg ni-cô-tin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa ni-cô-tin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào. Tác dụng gây nghiện của ni-cô-tin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương, chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn
Monoxit carbon (khí CO):
Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của O2 (ô-xi) trên hồng cầu. Và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển ô-xy vì đã gắn kết với CO, đây là nguyên nhân gây lên một số bệnh phổi mạn tính như: Hen phế quản, viêm phế quản, giản phế quản… Hậu quả là cơ thể không đủ ô-xy để sử dụng.
Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá:
Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.
Các chất gây ung thư
Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư, các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá gây ra các bệnh ung thư
2. Ảnh hưởng của khói thuốc lá đến mẹ bầu
Phụ nữ mang thai dù hút thuốc lá trực tiếp hay hút thuốc bị động (ngửi phải khói thuốc) rất có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non, sinh con nhẹ cân, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh,…
Thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu
Sẩy thai thường xảy ra vào 3 tháng đầu của thai kì, các trường hợp ít gặp hơn là sau 20 tuần. Chất Nicotin có trong thuốc lá và khí CO có trong khói thuốc là chất gây ảnh hưởng chính đến phôi thai. CO làm giảm khả năng vận chuyển ô xy đến phôi thai gây ra tình trạng thiếu ô xy phôi thai ở người mẹ hút thuốc. Nicotin làm tăng nồng độ của Epinephrine và các hóa chất khác làm giảm dòng máu đến nuôi phôi thai. Đồng thời Nicotin trong thuốc lá có thể qua rau thai làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các cử động thở của thai nhi. Phụ nữ hút thuốc thường bị bong rau thai và rau tiền đạo, gây chảy máu ở mẹ và chết thai nhi.
Thuốc lá làm tăng khả năng sinh non
Theo nhà khoa học đã chứng minh những phụ nữ khi mang thai có thói quen hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá nhiều đều có khả năng sinh non cao hơn những người bình thường. Trẻ bị sinh non do thuốc lá nếu không được chăm sóc đúng cách, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, thuốc lá còn làm thai nhi khi được sinh ra dễ mắc các biến chứng nguy hiểm, bất thường như: Khiếm thị, khiếm thính bẩm sinh, hệ thần kinh và não bộ phát triển không bình thường,…
Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh
Một trong những tác hại của thuốc lá đối với phụ nữ mang thai thường gặp nhất đó là tăng khả năng bị dị tật cho thai nhi. Cho dù người mẹ hút thuốc lá trực tiếp hay hít phải khói thuốc thụ động cũng đều có khả năng gây biến chứng bất thường cho bé như: Các dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, bệnh hen suyễn, tim mạch,… Chính vì vậy khi mang thai người mẹ cần bỏ ngay thói quen hút thuốc và tránh xa những nơi có người hút thuốc để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Thuốc lá gây mắc các bệnh về đường hô hấp, phổi, hen suyễn
Những đứa trẻ có cha hoặc mẹ hút thuốc lá trong thai kỳ cũng rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là phổi. Trong tuần đầu sinh ra, trẻ có thể phải thở bằng ô xy chứ không thể tự thở được vì phổi bị kìm nén do các tác dụng phụ khác của Nicotine có trong khói thuốc lá nên không thể hoạt động như bình thường. Đường thở bị thu hẹp, trẻ cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ hen suyễn suốt đời.
Thuốc lá làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
Thuốc lá có chứa hàm lượng Nicotin rất lớn, chất này có khả năng gây ra các cơn co thắt trong ống dẫn trứng, làm cản trở quá trình phôi thai đi vào tử cung, dẫn tới tình trạng phôi thai dễ làm ổ ở bên ngoài và đây chính là hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Với trường hợp này, người mẹ cần phát hiện sớm để loại có thể bỏ thai một cách an toàn, tránh thai nhi lớn làm ảnh hưởng tính mạng của người mẹ.
3. Ảnh hưởng của thuốc lá tới thai nhi
Khi phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá, chất nicotine và các loại chất độc hại khác sẽ đi qua phổi vào trong máu của bạn và đi trực tiếp đến em bé. Điều này có thể gây ra các nguy cơ sau:
-
- Thai nhi bị phát triển chậm
- Tăng nguy cơ sinh non
- Gây ra các tổn thương não và phổi cho thai nhi
- Tăng nguy cơ thai chết lưu
Nếu khi mang thai mẹ hút thuốc ( hoặc hít phải khói thuốc ) thì thai nhi sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng do động mạch bị nghẽn và máu khó lưu thông lên não. Khói thuốc lá làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến phôi thai gây ra tình trạng thiếu oxy phôi thai ở người mẹ hút thuốc. Một khi thai nhi trong bụng mẹ bị thiếu oxy, sự phát triển của trẻ cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều về cả thể chất và trí não. Nicotin làm tăng nồng độ của epinephrine và các hóa chất khác làm giảm dòng máu đến nuôi phôi thai. Nicotin trong thuốc lá có thể qua rau thai làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các cử động thở của thai nhi. Phụ nữ hút thuốc thường bị bong rau thai và rau tiền đạo, gây chảy máu ở mẹ và chết thai nhi.
Sau khi chào đời và lớn lên, đứa trẻ chịu tác động từ khói thuốc lá ngay từ khi trong bụng mẹ sẽ khó có khả năng tập trung tốt trong quá trình tiếp thu kiến thức, những biểu hiện rối loạn về nhận thức và hành vi có thể xảy ra và không ít trẻ trong số này đều có chỉ số IQ thấp.
Ngoài ra, phổi của trẻ có mẹ hút thuốc lá cũng không thể phát triển và hoạt động một cách trơn tru. Sau khi chào đời, trẻ có thể sẽ phải được chăm sóc đặc biệt, thở bằng bình oxy và mắc bệnh hen suyễn về sau. Hút thuốc lá cũng có thể gây vỡ ối sớm hơn ở những người không hút thuốc, nếu vỡ ối quá sớm gây chuyển dạ khi thai chưa đủ tuổi sẽ rất nguy hiểm. Vỡ ối sớm cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào môi trường vô khuẩn của thai nhi gây nên tình trạng nhiễm trùng, đe dọa tính mạng của thai nhi.
Khói thuốc lá cũng khiến tỷ lệ trẻ sau sinh bị đột tử cao hơn 30% so với những đứa trẻ khác và còn gây ra các dị tật bẩm sinh cho trẻ, chẳng hạn như em bé sinh ra dễ mắc phải các bệnh lý về hô hấp, tai – mũi – họng, 20% trẻ có nguy cơ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ so với trẻ bình thường.
4. Cách phòng tránh
Với những tác hại của khói thuốc lá đối với bà bầu và thai nhi, tốt nhất các mẹ nên tránh xa việc hút thuốc lá cũng như yêu cầu những người xung quanh không hút thuốc lá khi có mặt mình ở đó, mẹ cần lưu ý những điều dưới đây để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi trước tác hại của thuốc lá:
– Tuyệt đối không hút thuốc lá
– Tránh xa những người hút thuốc lá, những nơi dễ bắt gặp người hút thuốc lá (quán nước, bến xe,…) để tránh việc hút thuốc lá thụ động.
– Tránh tiếp xúc thân mật như ôm, hôn,… với những người vừa mới hút thuốc xong vì chất độc vẫn có thể lưu lại trên cơ thể người hút thuốc.
– Tuyệt đối không cho người khác hút thuốc trong nhà riêng của mình. Nếu có người thân hút thuốc lá, hãy yêu cầu họ hút bên ngoài, nơi thoáng khí. Vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất độc trong thuốc lá cũng có thể lưu lại trong các đồ vật hàng ngày và gây hại cho sức khỏe.
– Thường xuyên đi khám bác sĩ và lưu ý bác sĩ nếu có người thân là người hút thuốc lá để bác sĩ có được cái nhìn tổng quan nhất.
– Nếu người thân hút thuốc lá, hãy khuyên nhủ họ bỏ thuốc lá. Vì sau giai đoạn mang thai còn là giai đoạn trẻ phát triển khi chào đời, rất khó để bạn có thể kiểm soát và đảm bảo trẻ không hít phải khói thuốc lá nếu trong nhà có người hút thuốc lá.
Trên đây là những tác hại của khói thuốc lá đối với bà bầu và thai nhi cũng như những biện pháp phòng tránh để không phải tiếp xúc với khói thuốc. Hy vọng với tất cả những chia sẻ trên đây có thể giúp mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và con yêu của mình.