Tạm biệt 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Bây giờ mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe sau sinh. Biết được những vấn đề thường gặp sau sinh con sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần sau khi mang thai. Hầu hết các triệu chứng mẹ gặp phải thường kéo dài chỉ một tuần, nhưng có những triệu chứng sẽ kéo dài nhiều tuần, thậm trí có thể vài năm. Liệu mẹ đang gặp phải các vấn đề sau sinh nào dưới đây? Cùng MBbaby Mẹ bầu và em bé tìm hiểu ngay nhé.
1. Một số vấn đề thường gặp sau sinh
Phụ nữ có thể gặp một loạt các vấn đề sau sinh, mỗi người có những biểu hiện riêng và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau. Một số vấn đề thường gặp như:
- Nhiễm trùng sau sinh (bao gồm nhiễm trùng tử cung, tiểu khung, bàng quang, thận)
- Chảy máu quá nhiều sau khi sinh
- Đau ở vùng đáy chậu (giữa âm đạo và trực tràng)
- Dịch âm đạo
- Rạn da
- Sưng vú, tắc tuyến sữa
- Bệnh trĩ và táo bón
- Rụng tóc
- Đi tiểu không tự chủ
- Trầm cảm sau sinh
- Khó khăn khi quan hệ tình dục
- Khó lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai
2. Nguyên nhân và cách điều trị các vấn đề sau sinh
Băng huyết
Băng huyết là tình trạng chảy máu ồ ạt sau sinh với các dấu hiệu:
- Chảy máu không kiểm soát
- Huyết áp giảm
- Tăng nhịp tim
- Giảm số lượng hồng cầu
- Sưng và đau ở âm đạo và khu vực gần đó nếu chảy máu là do tụ máu.
Nguyên nhân: Sau khi sinh em bé, tử cung thường co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài. Sau khi nhau thai được đưa ra, những cơn co thắt này giúp gây áp lực lên các mạch máu trong khu vực gắn nhau thai. Nếu tử cung không co bóp đủ mạnh, các mạch máu này sẽ chảy máu tự do gây xuất huyết. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho sản phụ sau sinh con.
Cách điều trị: Sản phụ xuất huyết sau sinh cần phải được cấp cứu ngay. Trong thời gian đó, sản phụ nên được xoa bóp tại chỗ khu vực tử cung, co chân lên cao ngang ngực, hỗ trợ thở bằng mặt nạ dưỡng khí. Các bác sĩ sau đó có thể dùng thuốc, phẫu thuật nội soi hoặc cắt tử cung là biện pháp cuối cùng. Băng huyết sau sinh mặc dù nghiêm trọng nhưng nếu nhanh chóng được xử lý đúng thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
Nhiễm trùng tử cung
Nguyên nhân: Nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trong khi sinh và bị tống ra khỏi âm đạo trong vòng 20 phút sau khi sinh. Nếu các mảnh của nhau thai vẫn còn trong tử cung, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Nhiễm trùng túi ối (túi nước bao quanh em bé) khi chuyển dạ có thể dẫn đến nhiễm trùng tử cung sau sinh. Triệu chứng bao gồm: sốt cao, nhịp tim đập nhanh ; số lượng bạch cầu tăng bất thường; tử cung to,tức và đau; tiết dịch có mùi hôi thường chỉ ra khi nhiễm trùng tử cung. Khi các mô xung quanh tử cung cũng bị nhiễm trùng, sản phụ có cảm thấy đau và sốt một cách nghiêm trọng.
Cách điều trị: Nhiễm trùng tử cung thường có thể được điều trị bằng tiêm thuốc kháng sinh, nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn như sốc do nhiễm trùng.
Co thắt tử cung
Nguyên nhân: Các cơn co thắt tử cung có thể kéo dài trong vài ngày sau sinh thậm chí 1 tuần. Những cơn co thắt này – thường giống như chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt. Chúng giúp ngăn ngừa chảy máu quá nhiều bằng cách nén các mạch máu trong tử cung để co về kích thước bình thường. Những cơn đau sẽ có xu hướng mạnh hơn khi bé bú mẹ do oxytocin được giải phóng kích thích tử cung co bóp hay khi mẹ phải vận động nhiều.
Cách điều trị: Ở đa phần phụ nữ, cơn đau này bình thường nhưng có nhiều phụ nữ, cơn đau dữ dội hơn. Trong trường hợp đó, mẹ có thể sử dụng một túi chườm ấm (hoặc sử dụng túi chườm bằng gừng, muối, ngải cứu) để làm giảm cơn đau do co tử cung. Nếu cơn đau nghiêm trọng hơn, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo sự tham khảo của bác sĩ về loại thuốc được dùng trong thời gian cho con bú.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nguyên nhân: Xảy ra có thể do đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn khi đặt ống thông vào bàng quang trong quá trình sinh. Ngoài ra, có thể do nhiễm trùng trong thời khi mang thai hoặc sau khi sinh, sản phụ không được vệ sinh sạch sẽ và khoa học.
Cách điều trị: Mẹ nên đi khám ngay và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đồng thời mẹ cần vệ sinh sạch sẽ khu vực âm hộ hàng ngày sau khi sinh.
Táo bón và bệnh trĩ
Nguyên nhân: Táo bón, áp lực thai nhi và những căng thẳng trong thai kì dẫn đến bệnh trĩ mà đa phần thai phụ đều gặp phải ở các mức độ khác nhau. Áp lực trong quá trình chuyển dạ, sinh con càng làm cho tình trạng này nặng hơn. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt của nhiều phụ nữ Việt sau khi sinh con với nhiều protein, tinh bột nhưng ít chất xơ cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh trĩ sau sinh nặng hơn.
Cách điều trị: Để khắc phục táo bón sau sinh, cách tốt nhất là tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày, uống nhiều nước và có thể sử dụng thuốc làm mềm phân để vệ sinh dễ dàng hơn. Lót đệm bông mềm khi ngồi để giảm cảm giác đau đớn. Bóp nước ấm nhẹ vào khu vực hậu môn khi đi vệ sinh giúp sản phụ dễ chịu hơn. Trong trường hợp trĩ nặng, người bệnh đau nhức không chịu được, hậu môn rỉ máu, chảy quá nhiều máu khi đi vệ sinh thì cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ ngay.
Tắc tia sữa
Nguyên nhân:
Khi sữa tiết ra liên tục nhưng không được thoát hết ra ngoài, ống dẫn sữa bị ứ đọng sữa gây ra hiện tượng tắc khiến các nang tuyến phình to.
Tắc tia sữa có thể chỉ là một hiện tượng không đáng lo ngại khi ngực đột nhiên to lên bất thường, người mẹ có cảm giác cương tức, bầu ngực đỏ ấn vào đau cảm giác như quả bóng căng.
Nếu tắc tia sữa kèm nhiễm trùng dẫn đến áp xe vú (viêm vú) với biểu hiện bầu ngực ngứa rát, sưng tấy, cảm giác căng cứng và đau, sữa không tiết hoặc có mủ, sờ vào một phần vú có cảm giác nổi cục to kèm theo những cơn sốt thì vô cùng nguy hiểm, cần phải được cấp cứu trích mủ ngay.
Cách điều trị:
Nếu mẹ bị tắc tia sữa nhẹ thì mẹ nên massage cho mềm vú sau đó cho bé bú thật nhiều hoặc sử dụng máy hút sữa để hút cạn sữa. Ngoài ra, mẹ có thể đến cơ sở y tế để chiếu hồng ngoại giúp tan phần sữa tắc cục bộ và cho bé bú hoặc hút ra.
Để tránh tắc tia sữa, mẹ nên cho bé bú đều đặn và cố gắng đổi nhiều tư thế, giúp bé ngậm bắt núm vú đúng cách kết hợp vỗ ợ hơi giữa bữa để bú hết sữa trong mỗi cữ. Nếu bé bú không hết thì mẹ nên hút cạn sữa ra khỏi bầu ngực tránh tắc. Massage ngực 10 phút trước khi cho bé bú hoặc hút sữa.
Trầm cảm sau sinh
Hầu hết phụ nữ đều trải qua chứng trầm cảm sau khi sinh con. Sự thay đổi nồng độ hormone, kèm theo đó là việc chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là điều dễ dàng khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hoặc thậm chí là tức giận. Đối với những người bị trầm cảm ở mức độ nhẹ thì tình trạng này sẽ kết thúc trong vòng vài tuần sau sinh
Trầm cảm kéo dài hơn hoặc trở nên nặng hơn sau khi sinh được gọi là trầm cảm sau sinh
Để điều trị trầm cảm sau sinh, các sản phụ cần sự giúp đỡ từ những người thân trong gia đình, bạn bè. Chia sẻ cảm xúc của bạn với họ và nhờ họ giúp đỡ chăm sóc trẻ. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được điều trị kịp thời. Đối với những chị em bị trầm cảm sau sinh, kèm theo ý nghĩ chán ghét chính đứa con của mình, muốn tử tự, thường gặp ảo giác hoặc hành vi trở nên bất thường, cần phải được can thiệp y tế ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn như rối loạn tâm thần sau sinh.
Trên đây là một vài vấn đề mà mẹ thường gặp phải sau khi sinh. Nếu các triệu chứng sau sinh kéo dài và trở nặng, mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của mẹ lâu dài. Bên cạnh đó mẹ nên tâm sự nhiều hơn với mọi người xung quanh tập thể thao nhẹ nhàng để có thể hồi phục sức khỏe tốt nhất mẹ nhé!